Về tình hình thực hiện, Tổng cục đã lấy ý kiến các địa phương về nhu cầu, mức độ sử dụng thông tin, tài liệu địa chất, khoáng sản tại địa phương. Theo đó, Tổng cục đã nhận được 37 ý kiến của các tỉnh, thành phố; hiện đang thống kê, tổng hợp và đánh giá.Ông Nguyễn Bá Minh – Phó Vụ trưởng Vụ Địa chất (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam) cho biết, theo dự thảo, các nội dung cơ bản của lập quy hoạch gồm: Phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, hiện trạng điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; xác định các nhiệm vụ trọng tâm của công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản trong kỳ quy hoạch gồm đề xuất, xây dựng các nhóm nhiệm vụ (đề án) đưa vào Quy hoạch và xác định các nhiệm vụ trọng tâm của công tác tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản trong kỳ quy hoạch; khảo sát thực địa tại các địa phương, các khu vực dự kiến các nhiệm vụ; tổ chức các hội thảo chuyên đề về đánh giá hiện trạng, về các nhiệm vụ trọng tâm; hoàn thiện Báo cáo lập Quy hoạch và dự thảo Quy hoạch.
Về tổ chức lập Quy hoạch, Tổng cục đã xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện các nội dung lập Quy hoạch để các đơn vị tham gia thực hiện; tổ chức họp các đơn vị liên quan trong và ngoài Tổng cục. Đến ngày 15/5 đã có 9 báo cáo về hiện trạng nhân lực, trang thiết bị, hiện trạng thực hiện các nhiệm vụ điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản của 9 đơn vị trong Tổng cục...
Theo ông Nguyễn Bá Minh, hiện việc dự toán và lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch đang gặp khó khăn. Do đó, Tổng cục kiến nghị Bộ phê duyệt dự toán chi tiết lập Quy hoạch, cho phép bổ sung những nội dung còn thiếu trong Thông tư 08/2019/TT-BKHĐT. Ngoài ra, cho phép lựa chọn đơn vị tư vấn theo hình thức chỉ định thầu (hiện mới chỉ có 1 đơn vị có khả năng đủ điều kiện tư vấn theo quy định).
Góp ý cho báo cáo, ông Chu An Trường – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai cho rằng: Tiến độ thực hiện chung của Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất khoáng sản thời hạn đến giữa năm 2022 tương đối phù hợp với quá trình lập Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong quá trình triển khai, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cần phối hợp với các đơn vị liên quan để đánh giá tác động của việc điều tra cơ bản địa chất khoáng sản đến tài nguyên đất đai, tài nguyên rừng và tài nguyên khác. Đặc biệt là phối hợp với Tổng cục Quản lý Đất đai phân tích các số dữ liệu đầu vào để làm cơ sở phân bổ về mặt các chỉ tiêu không gian cũng như chỉ tiêu sử dụng đất đối với các loại hình sử dụng đất với các ngành sử dụng đặc biệt như ngành địa chất khoáng sản.
Theo dự thảo chung của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, về tiến độ, đến khoảng tháng 6/2022, sẽ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Quy hoạch này. Ông Chu An Trường đề nghị, trong quá trình tổ chức thực hiện, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cần có cơ chế về đầu mối cung cấp tài liệu. Cụ thể, về văn bản chung, Tổng cục cần xem xét để có cơ chế cung cấp kịp thời, giúp Tổng cục Quản lý Đất đai tiếp cận được các tài liệu sớm nhất để đưa vào Quy hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo ông Nguyễn Trường Giang – Chánh Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia, Quyết định số 2183/QĐ-TTg ngày 21/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã nêu rõ các sản phẩm và nội dung quy hoạch, vì thế Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cố gắng bám sát 10 nội dung đã nêu.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên đề nghị Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đôn đốc các tỉnh, thành phố khẩn trương gửi ý kiến về nhu cầu, mức độ sử dụng thông tin, tài liệu địa chất, khoáng sản tại địa phương, đặc biệt là những địa bàn có nhu cầu và tiềm năng lớn về tài nguyên và khoáng sản.
Thứ trưởng cũng đề nghị Tổng cục phối hợp chặt chẽ với Vụ Kế hoạch – Tài chính và Vụ Khoa học và Công nghệ rà soát dự toán trình phê duyệt, cố gắng thực hiện sớm công việc này. Đồng thời, rà soát kỹ các nội dung quy hoạch để không trùng lặp với các nội dung quy hoạch của các bộ, ngành khác và các lĩnh vực khác trong Bộ TN&MT.
Nguồn Báo TN&MT