Quản lý đất đai

Hội nghị “Tác động của chính sách đất đai đối với thị trường bất động sản” khu vực miền Bắc

19:00, 26/11/2020
Ngày 25 tháng 11 đến ngày 26 tháng 11 năm 2020, tại Khách sạn Mường Thanh, 395 Ngô Gia Tự, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, Trung tâm Truyền thông TNMT đã tổ chức Hội nghị “Tác động của chính sách đất đai đối với thị trường bất động sản” khu vực miền Bắc.

Tham dự Hội nghị có Lãnh đạo Trung tâm TNMT, đại diện Lãnh dạo Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh; các phóng viên, báo chí Trung ương và địa phương, tuyên truyền viên, báo cáo viên, tình nguyện viên các tỉnh thuộc khu vực miền Bắc; Doanh nghiệp; Các tổ chức chính trị - xã hội; Các tổ chức xã hội nghề nghiệp; Hội Nông dân; Hội Phụ nữ; Đoàn thanh niên và cộng đồng dân cư khu vực tổ chức.

Hội nghị đã được nghe các báo cáo viên trình bày về các nội dung:

- Các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách đã được cơ quan có thẩm quyền ban hành như: Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; Nghị định số 96/2019/NĐ-CP ngày 19/12/2019 của Chính phủ về Khung giá đất; Nghị định số 06/2020/NĐ-CP ngày 03/01/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 17 của Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;

- Công tác lập quy hoạch đất đai các cấp phục vụ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội; tổng kiểm kê đất đai toàn quốc và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đa mục tiêu, kết nối liên ngành; Đổi mới, nâng cao chất lượng, tiến độ xây dựng, tính khả thi của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảo đảm công khai, minh bạch, bền vững và liên kết giữa quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác có liên quan;
- Những bất cập, tồn tại; chồng chéo, không thống nhất giữa các quy định của pháp luật về đất đai với pháp luật khác có liên quan;

- Hoạt động thực thi pháp luật trong lĩnh vực đất đai của các cơ quan quản lý nhà nước; Việc chấp hành pháp luật về trong lĩnh vực đất đai của các tổ chức, cá nhân;

- Kết quả đạt được trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên toàn quốc và hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến về đất đai; qua đó, nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai, chỉ số “đăng ký đất đai” và “chất lượng quản lý hành chính đất đai”, nâng cao chỉ số cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai.

- Các định hướng về truyền thông chính sách, pháp luật đất đai; Các hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về đất đai tới cộng động, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp…

Sau khi các báo cáo viên trình bày tham luận tại hội nghị, Ban tổ chức đã phát phiếu ghi câu hỏi để các đại biểu nêu các vấn đề còn chưa rõ, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi chính sách, pháp luật đất đai tại địa phương, nhiều đại biểu đã có những câu hỏi thắc mắc và các báo cáo viên đã giải đáp các thắc mắc rất rõ ràng và đầy đủ, cụ thể:

- Đại diện Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bắc Ninh hỏi “Xin hãy cho biết, việc hòa giải tranh chấp đất đai được quy định như thế nào? Nếu trong trường hợp không hòa giải được thì sẽ giải quyết thế nào?”.

Ông Chu Hồng Sơn đã trả lời: “1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở. 2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải. 3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai. 4. Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp. 5. Đối với trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp khác. Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Nếu trong trường hợp không hòa giải được thì tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây: a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này; b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự; c) Trường hợp đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau: Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính; Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính; Người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai tại khoản 3 Điều này phải ra quyết định giải quyết tranh chấp. Quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực thi hành phải được các bên tranh chấp nghiêm chỉnh chấp hành. Trường hợp các bên không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành.

- Đại diện Công ty Cổ phần địa ốc An Huy hỏi “Tôi xin phép được hỏi về việc Bồi thường khi nhà nước thu hồi đất là việc nhà nước trả lại giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích đất bị thu hồi cho người bị thu hồi đất. Vậy, pháp luật quy định như thế nào về việc bồi thường khi nhà nước thu hồi đất?”

Ông Vũ Ngọc Kích trả lời “Đất đai là một trong những tài sản lớn của cá nhân, tổ chức, hộ gia đình. Do đó, việc thu hồi đất cần được tiến hành một cách hợp lý theo quy định pháp luật về đất đai nhằm bảo đảm quyền lợi cho người bị thu hồi đất cũng như hạn chế các hành vi lạm quyền của các cá nhân, cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, hoạt động thu hồi, bòi thường hỗ trợ tái định cư cho người bị thu hồi không phải được thực hiện dễ dàng mà nó diễn ra vô cùng phức tạp. Đặc biệt, đối với các trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng như chưa xác định rõ được các loại đất cũng như diện tích như thế nào. Do đó, để bảo đảm quyền lợi cho người bị thu hồi đất, tổ chức thu hồi đất cần phải xác minh và làm rõ các trường hợp trên. Vì vậy, việc nắm vững các quy định pháp luật về đất đai vô cùng cần thiết. Cụ thể: Điều 74 Luật Đất Đai năm 2013 quy định về nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất:  Người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 75 của Luật này thì được bồi thường. Điều 75 . Điều kiện được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Theo quy định của pháp luật thì bồi thường thiệt hại về nhà, công trình xây dựng khác gắn liền với đất cụ thể tại  Điều 9 Nghị định 47/2014/NĐ-CP: "Việc bồi thường đối với nhà, công trình xây dựng khác gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất quy định tại Khoản 2 Điều 89 của Luật Đất đai”.

- Đại diện Khu công nghiệp Tiên Sơn hỏi: “Bất động sản thời kỳ sốt đã để lại hậu quả cho nhiều người mua nhà do những dự án “treo”. Nhiều dự án đã kéo dài 7-10 năm nhưng không tiếp tục thực hiện gây bức xúc trong xã hội. Là Bộ chủ quản về đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường có phương án nào để bảo vệ người dân đã góp vốn cho những dự án như vậy?”.

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn đã trả lời như sau: “Để khắc phục những dự án treo, trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu để Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Đất đai 2013 với các chế tài nghiên để xử lý nghiêm tình trạng này. Cụ thể như tại Điểm I Khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai quy định, trường hợp đã được giao, cho thuê ddeer thực hiện dự án đầu tư mà không sử dụng trong 12 tháng liên tục hoặc tiến độ chậm 24 tháng so với tiwwns độ ghi trong dự án đầu tư kể từ ngày bàn giao đất ngoài thực địa thì chủ đầu tư được gia hạn tiến độ sử dụng them 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước một khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong thời gian này. Hết thời hạn 24 tháng được gia hạn này mà chủ đầu tư vẫn không đưa đất vào sử dụng thì nhà nước thu hồi đất và không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp bất khả kháng do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Tại Khoản 2 Điều 15 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính Phủ cũng quy định: Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm rà soát, xử lý và công bố công khai các trường hợp không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng trên Trang Thông tin điện tử của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Trang Thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Quản lý đất đai. Luật Đất đai năm 2013 đã bổ sung quy định về điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư nhằm lựa chọn các chủ đàu tư có năng lực thực hiện dự án. Trong đó, tại điểm c Khoản 3 Điều 58 của Luật Đất đai quy định “không vi phạm pháp luật về đất đai” là một trong những điều kiện để Nhà nước xem xét giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án mới”. Như vây, pháp luật về đát đai đã được hoàn thiện theo hướng tạo điều kiện để đẩy nhanh việc tổ chức thực hiện dự án để nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân. Bên cạnh đó, pháp luật về nhà ở cũng đã có những quy định yêu cầu việc công bố công khai các điều kiện bán nhà trước khi chủ đầu tư bán ra thị trường”.

 
1
Toàn cảnh Hội nghị
        
  Có thể nói, các đại biểu tham gia thảo luận rất sôi nổi, đưa ra những vấn đề nóng, sát với thực tiễn của thị trường bất động sản. Các báo cáo viên đã giải đáp những thắc mắc của đại biểu rất nhiệt tình và hiệu quả.. Dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Việt Dung, Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, các báo cáo viên của các đơn vị chuyên môn thuộc Tổng cục Quản lý đất đai đã lần lượt trả lời đầy đủ và rõ ràng tất cả các câu hỏi. Các đại biểu hầu hết đều thể hiện sự hài lòng với các nội dung được giới thiệu tại hội nghị cũng như những giải đáp từ các báo cáo viên của Tổng cục Quản lý đất đai. Các câu hỏi về từng lĩnh vực cụ thể tại Hội nghị cũng được Ban tổ chức chuyển tới các đơn vị có liên quan của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Quản lý đất đai để tổng hợp, nghiên cứu và đưa vào các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.     Các đại biểu hầu hết đều mong muốn thường xuyên có những hội nghị tại các vùng, miền để được cập nhật, tiếp thu đầy đủ các chủ trương, chính sách pháp luật đất đai từ Trung ương, tạo điều kiện để tiếp tục phổ biến tới đội ngũ cán bộ ở địa phương và người dân trên cả nước, góp phần thực thi nghiêm chỉnh pháp luật đất đai.

Trung tâm Truyền thông TNMT