Hình minh họa |
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vừa công nhận 11 khu dự trữ sinh quyển mới (7/2024) thuộc các quốc gia: Colombia, Cộng hòa Dominica, Gambia, Ý, Mông Cổ, Philippines, Hàn Quốc và Tây Ban Nha. Ngoài ra, đây là lần đầu tiên danh sách này bao gồm hai khu bảo tồn xuyên biên giới, bao gồm Bỉ và Hà Lan, Ý và Slovenia.
Bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO nhấn mạnh rằng danh sách này được đưa ra vào thời điểm nhân loại đang “vật lộn với cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu”, khẳng định tầm quan trọng của khu dự trữ sinh quyển trong việc bảo tồn đa dạng sinh học và di sản văn hóa.
UNESCO nhấn mạnh rằng các khu dự trữ sinh quyển đóng vai trò khoa học quan trọng, là nơi nghiên cứu và giám sát, cung cấp dữ liệu và hiểu biết có giá trị có thể cung cấp thông tin cho các quyết định chính sách và quản lý môi trường.
Đồng thời, chúng còn giúp đạt được các mục tiêu phát triển toàn cầu như các mục tiêu do Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal đặt ra, trong đó có việc bảo vệ và khôi phục các phần quan trọng của hệ sinh thái Trái đất vào năm 2030.
Hình minh họa |
Việc kết nạp thêm 11 khu dự trữ sinh quyển mới, đưa Mạng lưới khu dự trữ sinh quyển thế giới lên tới 759 địa điểm, thuộc 136 quốc gia và có tổng diện tích 7.442.000 km2, gần bằng diện tích của Australia. Mạng lưới này bao gồm tất cả các hệ sinh thái tự nhiên và bán tự nhiên tiêu biểu. Có khoảng 275 triệu người sống trong các khu dự trữ sinh quyển trên toàn thế giới.
Thực hiện: Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường
Ý kiến bạn đọc