Môi Trường

Phương thức tính tiền hỗ trợ phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện quốc gia

08:40, 20/10/2021
Ngoài việc quy định rõ về đối tượng, bản chất các khoản đóng góp vào Quỹ BVMT Việt Nam của nhà sản xuất, nhập khẩu, Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã đưa ra phương thức tính tiền hỗ trợ phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện kinh tế - xã hội trong nước.

Công thức tính tiền hỗ trợ

Theo Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, tiền hỗ trợ tái chế đối với từng loại sản phẩm, bao bì được xác định theo công thức: Tổng tiền đóng góp bằng định mức chi phí tái chế nhân với lượng sản phẩm, bao bì và nhân với tỷ lệ tái chế theo quy định, rồi cộng với chi phí quản lý, tổ chức hoạt động tái chế.

Theo công thức này, phần thứ nhất là chi phí tái chế sẽ được chi trả cho các nhà tái chế trúng thầu hoặc được ủy quyền thực hiện các hoạt động thu gom, vận chuyển và tái chế.

Phần thứ hai là chi phí quản lý, tổ chức hoạt động tái chế (Fm) là khoản để chi cho hoạt động quản lý, tổ chức hoạt động tái chế của Quỹ BVMT Việt Nam và Văn phòng EPR Việt Nam (bao gồm chi phí hành chính, truyền thông, quản lý dữ liệu, thanh quyết toán tài chính, kiểm tra giám sát việc đăng ký và tuân thủ EPR…).

Theo ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ TN&MT), công thức như vậy là phù hợp thông lệ quốc tế và thực tế ở Việt Nam, tuy nhiên có phần đơn giản hơn vì chưa tính đến đặc tính sinh thái và các chi phí môi trường liên quan.

Hiện nay, có ý kiến kiến nghị nên gộp chi phí quản lý, tổ chức hoạt động tái chế (Fm) vào chi phí tái chế. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm quốc tế, chi phí quản lý, tổ chức hoạt động tái chế là bắt buộc phải có, nếu không sẽ không có đơn vị đứng ra tổ chức tái chế cho nhà sản xuất. Chi phí này nên quy định rõ ràng, không nên gộp vào chi phí tái chế. Hơn nữa, hiện nay, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đang quy định chi phí Fm bằng 5% chi phí tái chế là khá thấp so với cách tính tại một số quy định tương tự, điển hình như: Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng trích khoảng 15% (10% chi phí quản lý và 5% chi phí dự phòng) của khoản thu từ chi trả dịch vụ môi trường rừng.

 

2
Cơ chế EPR buộc nhà sản xuất, nhập khẩu có trách nhiệm thu gom, tái chế, xử lý rác thải. Ảnh: MH

Tăng tiền hỗ trợ từ việc nâng tỷ lệ tái chế trong tương lai

Đây là một trong những đề xuất được nhiều nhà nghiên cứu và các tổ chức như: Liên minh không rác Việt Nam, Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh (GreenHub), Trung tâm Con người và thiên nhiên… đưa ra.

Theo phân tích, hiện tỷ lệ tái chế nhựa thực tế hiện nay của Việt Nam chỉ từ 0 - 16%. Nếu Dự thảo Nghị định giới hạn tăng không quá 5% cho mỗi 3 năm như trong Khoản 6, Điều 87 thì không thể đạt mục tiêu tái chế 85% vào năm 2025 như đã đề ra trong Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa tại Việt Nam đã được Chính phủ phê duyệt trước đó.

Thêm nữa, Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến 2050 cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% tổng lượng chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và 85% chất thải rắn nguy hại phát sinh tại các hộ gia đình, cá nhân phải được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường; 100% các nhà sản xuất thiết bị điện tử phải thiết lập và công bố các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ theo quy định của pháp luật.

Như vậy, mức đóng góp tài chính như Dự thảo Nghị định là quá thấp sẽ không tạo được động lực thay đổi hành vi sản xuất, tiêu dùng và không đủ nguồn lực để hỗ trợ xử lý tình trạng thiếu nguồn lực thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay.

Do đó, các nhà nghiên cứu và các tổ chức trên cho rằng, thời gian tới, Việt Nam cần tăng mức đóng góp tài chính và có lộ trình điều chỉnh căn cứ theo biến động thị trường.

Bên cạnh đó, theo bà Nguyễn Thị Thu Trang - Phó Giám đốc Trung tâm GreenHub, để các nhà sản xuất, nhập khẩu sẵn sàng đồng ý đóng và tăng tiền hỗ trợ vào Quỹ BVMT thì Nhà nước phải đảm bảo quyền và lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Có nghĩa là trong Hội đồng EPR quốc gia phải có đầy đủ thành phần là các bên có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan, phải có đại diện Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam và đại diện các tổ chức khoa học, xã hội ngoài công lập trong Hội đồng. Chỉ có như vậy mới đảm bảo công bằng các lợi ích môi trường và quyền lợi người tiêu dùng, doanh nghiệp. “Từ kinh nghiệm và thực tế chứng minh, cộng đồng và các tổ chức môi trường là những người đóng góp lớn nhất trong việc xác định các vụ việc vi phạm môi trường ở Việt Nam. Đồng thời, để đảm bảo nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra" thì việc mở rộng đối tượng tham gia Hội đồng EPR là yêu cầu tất yếu”, bà Trang nhấn mạnh.

Theo chuyên gia chính sách và pháp luật Nguyễn Hoàng Phượng, chất thải ở Việt Nam gia tăng nhanh hơn tốc độ phát triển của cơ sở hạ tầng và quản lý, tăng gấp đôi chỉ trong vòng chưa đầy 15 năm. Nếu không hành động và có chính sách quyết liệt, Việt Nam có thể sẽ là quốc gia dẫn đầu về lượng chất thải nhựa ra đại dương. Chính vì vậy, chúng ta cần khẩn trương triển khai áp dụng các quy định về cơ chế mở rộng  trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR). Chính cơ chế này sẽ khuyến khích các nhà sản xuất thay đổi thiết kế, buộc họ phải tăng tỷ lệ thu gom, tái chế, xử lý các sản phẩm, bao bì mà họ đã sản xuất, góp phần giảm thiểu rác thải, bảo vệ môi trường.
Theo Báo TNMT