Hội nghị Bộ trưởng môi trường ASEAN lần thứ 16 là dịp quan trọng để các nước thành viên ASEAN cùng nhau đưa ra giải pháp, định hướng quan trọng để các hoạt động của ASOEN ngày càng thiết thực và hiệu quả; góp phần đạt mục tiêu bền vững về môi trường trong khuôn khổ Kế hoạch tổng thể Cộng đồng văn hóa – xã hội ASEAN và Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, đồng thời đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên Hợp quốc.
|
Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 16 đã diễn ra với hình thực trực tuyến |
Phát biểu tại phiên khai mạc, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, Chính phủ Việt Nam luôn đề cao tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, quản lý tài nguyên nước, môi trường biển và đới bờ, biến đổi khí hậu, hóa chất và chất thải, rác thải nhựa đại dương.
Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng Việt Nam quyết tâm lựa chọn các tiếp cận phát triển bền vững và đang tích cực chuyển đổi theo hướng mô hình kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Tới đây, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực (1/1/2022), sẽ tạo ra những thay đổi cơ bản từ nhận thức, tư duy đến hành động để giải quyết hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa kinh tế với bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu ”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
|
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu tại Hội nghị |
Để đạt được các mục tiêu trên, Thứ trưởng cho rằng, chúng ta cần nỗ lực hơn nữa, nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, tôn trọng lẫn nhau vì lợi ích chung của toàn khu vực, tiếp tục chung sức để giải quyết các vấn đề ô nhiễm nguồn nước, không khí, rác thải nhựa đại dương, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; nâng cao năng lực chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời thúc đẩy quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước xuyên biên giới, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, an ninh nguồn nước và mang lại môi trường sống an toàn hơn cho các thế hệ người dân ASEAN hôm nay và mai sau.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh các tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng về quy mô và cường độ, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển bền vững, môi trường, nguồn nước, đa dạng sinh học, an ninh lương thực và cuộc sống của người dân trong từng quốc gia, chúng ta cần có nhưng cam kết cụ thể, mạnh mẽ về nỗ lực giảm phát thải, với những biện pháp, kế hoạch phù hợp để đạt mục tiêu phát thải không trong thời gian sớm nhất.
Cuối cùng, trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực và toàn cầu đang phải giải quyết các thách thức do đại dịch Covid 19, phục hồi kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn cần được triển khai mạnh mẽ ở mỗi quốc gia, khu vực và toàn cầu, trên cơ sở duy trì mối quan hệ hợp tác, tin cậy lẫn nhau và gắn kết sự tham gia, hợp tác, hỗ trợ của các nước đối tác, cộng đồng quốc tế, cũng như sự chung tay của tất cả các chủ thể của xã hội, đặc biệt là người dân và khu vực tư nhân.
Theo Báo TNMT