Môi Trường

Vai trò của HTX trong bảo vê môi trường

14:17, 18/09/2021
Thực hiện chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước ta về Bảo vệ môi trường thích ứng với BĐKH, trong những năm qua, số lượng Hợp tác xã (HTX) bảo vệ môi trường (BVMT) đã phát triển mạnh, cả về quy mô và loại hình. Nhiều  HTX dịch vụ BVMT đã được thành lập, nhiều mô hình thí điểm về quản lý và xử lý môi trường đã thành công. Các HTX đã góp phần thúc đẩy xã hội hóa công tác BVMT, huy động sức mạnh và ý thức của từng cá nhân, cộng đồng trong BVMT.
 

HTX thúc đẩy hoạt động xã hội hóa BVMT

Mô hình HTX là tổ chức cộng đồng làm kinh tế có tính tự chủ cao; huy động và phát huy được tối đa sức mạnh tập thể; gắn kết được số đông người dân từ những thôn, xóm, bản làng, khu vực nông thôn, miền núi. Với mục tiêu vì một môi trường không ô nhiễm, vì sức khỏe cộng đồng, HTX  BVMT không chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hoá, xã hội mà còn có đóng góp quan trọng trong hoạt động cộng đồng thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ thiên tai,…

Từ mô hình HTX, phong trào quần chúng tham gia BVMT được đẩy mạnh ở nhiều tỉnh, thành phố với những điển hình tiên tiến. HTX  BVMT tham gia phân loại rác tại nguồn; chế biến rác thải hữu cơ làm phân vi sinh; tái chế rác thải nilông làm hạt nhựa; xử lý nước thải, khí thải; thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật; tận dụng chất thải xây dựng sản xuất gạch không nung; quản lý nghĩa trang nhân dân gắn với BVMT; xử lý chất thải hữu cơ nhằm tận thu thành  năng lượng khí sinh học phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế hộ và BVMT...

Đối tượng phục vụ chủ yếu của các HTX là các hộ gia đình, và các cơ quan doanh nghiệp đóng trên cùng địa bàn. Trong số các HTX thu gom rác thải có 53% số HTX cung cấp dịch vụ cho các hộ gia đình; 32% số HTX vừa cung cấp dịch vụ cho các hộ gia đình vừa cung cấp dịch vụ cho các cơ quan doanh nghiệp đóng trên cùng địa bàn.

Ngoài công tác BVMT, các HTX dịch vụ môi trường còn tạo ra công ăn việc làm, đảm bảo đời sống cho hàng chục nghìn lao động, góp phần vào chiến lược quốc gia về xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững. Nhiều HTX dịch vụ môi trường hoạt động hiệu quả tại các tỉnh như: Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, Cao Bằng. HTX dịch vụ môi trường thị trấn Tam Sơn, tỉnh Vĩnh Phúc, hàng năm, thu gom được trên 400 tấn rác thải các loại; giải quyết cho 13 lao động thường xuyên có việc làm ổn định, mức lương 3 đến 5 triệu đồng một tháng.  HTX dịch vụ môi trường Tân Phát, tỉnh Hà Tĩnh, chuyên thu gom, xử lý rác thải, với 15 thành viên; thu nhập trung bình mỗi lao động là 6,5 triệu đồng một tháng…


HTX là nhân tố cơ sở trong phát triển bền vững

Theo thống kê của Liên minh các hợp tác xã Việt Nam, năm 2020, cả nước có 27.266 HTX, trong đó có 553 HTX môi trường, tăng 343 HTX so với năm 2011, trong đó vùng Bắc Trung bộ và Đồng bằng sông Hồng có số lượng HTX môi trường cao nhất cả nước...

Tuy nhiên, mô hình HTX  BVMT nhiều nhưng chưa mạnh. Hoạt động tư vấn dịch vụ BVMT còn ít, cơ sở vật chất đơn sơ, đa số thiếu vốn hoạt động. Các HTX thiếu thông tin về các chương trình, dự án; chưa chủ động xây dựng được kế hoạch, dự án để tranh thủ sự hỗ trợ từ ngân sách địa phương. Trình  độ tổ chức quản lý của HTX  BVMT chưa theo kịp với nhu cầu thực tiễn… Đặc biệt, các chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Nhà nước đối với HTX  BVMT về kỹ thuật, công nghệ và tài chính đều còn thiếu.

HTX  BVMT cần sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước về thông tin môi trường qua hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tổ chức thi về phát triển HTX gắn với thích ứng BĐKH trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức triển lãm, hội chợ giới thiệu các sản phẩm của HTX; xây dựng các phim phóng sự, phim truyền hình về HTX, phát động phong trào thi đua trong các HTX…

Đối với HTX ngoài lĩnh vực môi trường, Nhà  nước cần có chính sách khuyến khích,  hỗ trợ các HTX sử dụng tiết kiệm năng lượng, tài nguyên; ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất; tiết kiệm tài nguyên đất, tài nguyên nước,.. để giảm nhẹ BĐKH. Bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao diện tích, chất lượng rừng làm tăng khả năng hấp thụ các khí nhà kính; quản lý chất thải chất thải, vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu, chất thải trong chăn nuôi, đốt rơm rạ…

Thực thi các chính sách thích ứng BĐKH theo từng loại hình HTX:  HTX Nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp, du lịch, công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, môi trường… Theo từng vùng miền: Đồng bằng, miền núi, miền biển, trung du, cao nguyên,…

Tiếp tục thực hiện chính sách đào tạo, nâng cao trình độ cho các cán bộ HTX; hỗ trợ HTX về xây dựng kế hoạch, quản trị sản xuất theo hướng sản xuất xanh, ứng phó với BĐKH. Tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế để học tập kinh nghiệm thích ứng với BĐKH; tranh thủ sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật, thiết bị, máy móc và dự án của các tổ chức quốc tế cho các HTX.

Thực hiện: Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường.