Môi Trường

Kẹo cao su thân thiện với môi trường sẽ không phải đóng góp Quỹ Bảo vệ môi trường

23:12, 17/09/2021
Chiều 17/9, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân đã có buổi họp trực tuyến với Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Euro Charm) và các công ty sản xuất, kinh doanh kẹo cao su để cùng nhau trao đổi về quy định nhà sản xuất, nhập khẩu kẹo cao su có trách nhiệm đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.
1

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu tại điểm cầu Bộ TN&MT

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chia sẻ: Trên quan điểm phát triển bền vững, bảo đảm quyền của người dân được sống trong môi trường trong lành, không hy sinh môi trường lấy phát triển kinh tế, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã được Quốc hội Việt Nam thông qua có nhiều cải cách, đổi mới trong tiếp cận quản lý, bảo vệ môi trường, trong đó, có quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất.

Với tinh thần cầu thị, cởi mở và lắng nghe, Bộ TN&MT đã tổ chức nhiều Hội thảo với các hiệp hội, doanh nghiệp để tham vấn, lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Riêng về quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, Bộ TN&MT đã tổ chức rất nhiều hội thảo để tham vấn ý kiến của các hiệp hội, doanh nghiệp tất cả các ngành hàng chịu sự điều chỉnh của quy định này; nhóm soạn thảo đã có nhiều cuộc họp riêng với các hiệp hội, doanh nghiệp của từng ngành hàng. Bộ TN&MT đã tiếp thu hầu hết các ý kiến góp ý của các hiệp hội, doanh nghiệp, đặc biệt là ý kiến góp ý của EuroCham và các thành viên của EuroCham.

Tại cuộc họp, ông Richard Mann, Hiệp hội Kẹo cao su quốc tế (ICGA) nhấn mạnh quan điểm ngành kẹo cao su ủng hộ mục tiêu bảo vệ môi trường của Bộ TN&MT. Tuy nhiên, ông cho rằng, việc kẹo cao su bị thải bỏ không đúng cách do ý thức người dân mới là vấn đề cần giải quyết. Do đó, việc áp dụng cơ chế EPR không phải là phương thức hiệu quả nhất để quyết vấn đề rác thải kẹo cao su. Đồng thời, ông Richard Mann cũng đề xuất một số biện pháp thay thế chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức người tiêu dùng trong thải bỏ bã kẹo cao su; thành lập một quỹ nhằm hỗ trợ các sáng kiến dọn dẹp tại địa phương do Bộ TN&MT quản lý.

Tuy nhiên, theo ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ TN&MT), Điều 55 Luật Bảo vệ môi trường 2020 có nêu rõ nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì chứa các chất độc hại, gây khó khăn cho việc thu gom, xử lý hoặc không có khả năng tái chế thì phải có trách nhiệm đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam. Trong đó, kẹo cao su là sản phẩm khó thu gom, xử lý và tái. Chính vì vậy, việc áp dụng cơ chế EPR với sản phẩm này nhằm thay đổi ý thức sản xuất và tiêu dùng, hướng tới sản xuất và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Sau khi trao đổi, thảo luận, hai bên đều thống nhất nhận thức chung về các vấn đề môi trường từ bã kẹo cao su (đặc tính khó thu gom, khó xử lý và khó tái chế) và thống nhất cần có giải pháp để giải quyết vấn đề này.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng, các giải pháp giải quyết vấn đề môi trường từ bã kẹo cao su cần phải được minh bạch, công khai và phải được luật hóa áp dụng chung cho tất cả các đối tượng có liên quan. Thứ trưởng yêu cầu nhóm soạn thảo rà soát các sản phẩm kẹo cao su không sử dụng nhựa thì có thể cân nhắc đưa ra khỏi đối tượng phải thực hiện trách nhiệm này. Bên cạnh đó, rà soát, điều chỉnh và giảm mức đóng góp tài chính đối với sản phẩm kẹo cao su và các sản phẩm khác tương tự, có lộ trình tăng mức đóng góp theo yêu cầu bảo vệ môi trường của từng thời kỳ.

Ngoài ra, Thứ trưởng cũng mong muốn, các công ty sản xuất, kinh doanh kẹo cao su tham gia Hội đồng EPR quốc gia để cùng Bộ TN&MT hợp tác thực hiện các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức người tiêu dùng thải bỏ bã kẹo cao su đúng cách và thu gom, xử lý bã kẹo cao su trong thời gian tới sau khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực thi hành.

Theo Báo TNMT