Môi Trường

Sử dụng nguồn tài nguyên phân chuồng để bảo vệ môi trường

14:38, 25/08/2021
Phân chuồng hay còn gọi là phân hữu cơ được người nông dân Việt Nam tin dùng từ rất xa xưa. Phân có giá trị dinh dưỡng cao làm tơi xốp đất, giúp cây trồng sinh trưởng khỏe mạnh, chống chịu sâu bệnh tốt, tạo ra các loại nông sản giàu dinh dưỡng, thơm ngon và an toàn với sức khỏe con người… Sau gần 20 năm quay cuồng với phân bón hóa học, gần đây người dân đã dần quan tâm trở lại với phân bón hữu cơ như một xu hướng tất yếu cho cuộc sống an toàn và môi trường bền vững.

1

Tại sao phân chuồng là tài nguyên cần khai thác?

Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp. Trước đây với khoảng 70- 80% dân cư sống ở nông thôn và làm nông nghiệp, mỗi gia đình đều có ít nhất một chuồng trại để chăn nuôi, lợn gà hay trâu bò… Nguồn phân chuồng đều được thu gom triệt để làm phân bón phục vụ việc trồng lúa, hoa màu,.. cho chính hộ gia đình. Nhờ vậy phân chuồng không bao giờ bị bỏ phí và môi trường cũng rất trong lành.

Phân chuồng sau khi thu gom được người dân đem ủ theo đúng theo quy trình kỹ thuật. Phân xếp thành đống và trát phủ kín bùn hoặc đất nhão xung quanh từ 1-2 tháng để tiêu diệt mầm bệnh và giúp phân hoai mục trước khi bón ra đồng ruộng. Việc làm này tạo ra một vòng tròn khép kín hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp, giữa chăn nuôi với trồng trọt, cái mà xã hội ngày nay gọi tên là kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn.

Khi đất nước mở cửa, (từ 1995), rất nhiều loại phân bón hóa học được du nhập và sản xuất tại Việt Nam, đã tạo nên cuộc cách mạng trên đồng ruộng. Người nông dân ồ ạt chuyển sang dùng phân bón hóa học vì giá thành rẻ và giải phóng được quy trình ủ phân vất vả. Đặc biệt, phân bón hóa học còn mang lại sản lượng nông sản cao.

Tuy nhiên, 4 đến 5 năm trở lại đây, đất đai bạc màu, nông sản nghèo dưỡng chất không thơm ngon và an toàn. Các loại cây trồng lớn lên trong xác đất cũng không đủ sức đề kháng chống chịu sâu bệnh, khiến người nông dân phải phun thuốc sâu và kích thích ngày càng nhiều hơn để giữ ổn định mùa màng. Một vòng tròn luẩn quẩn: đất nghèo - cây trồng thiếu dưỡng chất, đề kháng - phun thuốc sâu, kích thích - nhiễm độc môi trường- đe dọa sức khỏe con người,…  đẩy nền nông nghiệp của chúng ta đi sâu vào con đường phát triển không bền vững. Trong khi đó, tài nguyên phân chuồng của chúng ta ngày một dồi dào, do các trang trại chăn nuôi quy mô lớn tăng cao. Trong lúc chủ trang trại loay hoay xử lý phân chuồng bảo đảm tiêu chuẩn môi trường với chi phí lớn hoặc tìm cách xả thải gây ô nhiễm môi trường,… thì người nông dân lại không nhận ra nguồn tài nguyên quý giá này, hoặc biết mà khó tiếp cận khai thác.

Cơ chế tối ưu nào để khai thác nguồn tài nguyên này?

Luật chăn nuôi năm 2018 và Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 đã thay đổi theo hướng tích cực, khuyến khích người dân tái sử dụng chất thải chăn nuôi làm phân bón để giảm ô nhiễm môi trường và phát triển năng lượng sinh học. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 14/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chăn nuôi.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ chế pháp lý, chế tài xử phạt, người dân đang cần tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể để chiếu rọi vào thực tế. Theo các chuyên gia nông nghiệp, Bộ NN&PTNT cần sớm ban hành một số quy chuẩn Việt Nam về sử dụng phân chuồng trong trồng trọt; quy chuẩn Việt Nam về nước thải chăn nuôi dùng trong trồng trọt; Và quy định về hạn mức sử dụng nước trong chăn nuôi, khuyến khích công nghệ chăn nuôi tiết kiệm nước.

Thực tế nhu cầu mua bán phân chuồng ở Việt Nam rất lớn, các trang trại chăn nuôi lợn thường đóng bao phân tươi bán cho nông dân. Một số đường dây thu gom phân bò phơi khô từ Đồng Bằng sông Cửu long, Nam Trung Bộ lên Tây Nguyên đã tồn taị từ lâu. Nhiều trang trại chăn nuôi bò, lợn đầu tư máy tách ép phân để bán cho các trang trại trồng trọt. Tuy nhiên, do chưa có quy chuẩn Việt Nam về sử dụng phân chuồng trong trồng trọt nên ở nhiều nơi hoạt động thu gom, buôn bán phân chuồng được thực hiện lén lút.

Tại Việt Nam hiện nay, các trang trại chăn nuôi đang xử lý chất thải lỏng theo tiêu chuẩn môi trường với chi phí rất lớn. Trong khi ở Đan Mạch, nước thải chăn nuôi được phép sử dụng xe bồn vận chuyển ra đồng ruộng, trừ chất thải từ các trang trại có dịch bệnh mà chưa qua xử lý,…Ngoài ra, một số thiết bị bơm phân lỏng vào đất cũng được khuyến khích sử dụng để giảm ô nhiễm mùi. Do vậy, Việt Nam cũng cần sớm ban hành quy chuẩn về nước thải chăn nuôi dùng trong trồng trọt, để không lãng phí nguồn tài nguyên phân chuồng, giảm chi phí cho doanh nghiệp và bảo vệ môi trường theo cách thỏa đáng.

Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường