Đến nay, Tổng cục đã nhận được ý kiến chính thức của 58/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với hơn 202 cơ quan, tổ chức, cá nhân. Nhiều ý kiến gửi về Tổng cục Môi trường đề nghị chỉnh sửa các điều khoản về bảo vệ các thành phần môi trường, phân vùng môi trường.
Về bảo vệ các thành phần môi trường
Hiện nay nhiều địa phương cho rằng, theo Dự thảo Nghị định, UBND cấp tỉnh phải ban hành nhiều kế hoạch. Đó là: Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt sông, hồ nội tỉnh; Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh; Kế hoạch điều tra, đánh giá và xây dựng phương án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đối với khu vực đất bị ô nhiễm; lập Dự án xác lập, thẩm định và công nhận di sản thiên nhiên cấp cộng đồng và cấp tỉnh...
Trong khi việc thực hiện các kế hoạch này cần có nguồn ngân sách để tổ chức thực hiện và phải thông qua HĐND cấp tỉnh. Do đó, đề nghị nghiên cứu xem xét phương án tùy thuộc vào đặc điểm của từng tỉnh có thể xây dựng 1 kế hoạch chung, ví dụ như Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường chung để thống nhất quy trình ban hành nhằm tạo nguồn lực để tổ chức thực hiện có hiệu quả.
Tổng cục Môi trường nhận thấy ý kiến này là phù hợp, được đề xuất trên cơ sở thực tiễn quản lý của địa phương, đặc biệt đối với các tỉnh có chất lượng môi trường nước mặt hoặc chất lượng môi trường không khí đang đáp ứng QCVN. Tuy nhiên, do Luật BVMT 2020 đang quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh phải ban hành các kế hoạch quản lý với tên cụ thể của các thành phần môi trường. Do vậy, Tổng cục Môi trường đề nghị Vụ Pháp chế có ý kiến về mặt pháp lý trong việc gộp chung các kế hoạch nêu trên. Trường hợp việc ban hành kế hoạch chung không trái Luật, Tổng cục Môi trường đề xuất hướng chỉnh lý nội dung này theo ý kiến góp ý nêu trên.
Đối với ý kiến đề nghị bổ sung hướng dẫn về bảo vệ các thành phần môi trường khác như nước ngầm, nước biển, Tổng cục Môi trường đề xuất không tiếp thu ý kiến này do quy định về BVMT nước ngầm được Luật giao Bộ trưởng Bộ TN&MT hướng dẫn, hiện đã được thể hiện trong Dự thảo Thông tư; riêng nội dung về BVMT nước biển đã quy định chi tiết trong Luật, đồng thời Luật không giao Chính phủ hướng dẫn.
Có ý kiến đề nghị, đối với một số sông liên tỉnh nhưng phần lớn lưu vực nằm trên địa bàn 1 tỉnh, chỉ một phần nhỏ nằm ở địa bàn tỉnh khác thì nên giao địa phương lập Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường để tăng cường hơn tính chủ động của địa phương. Mặc dù đây là góp ý phù hợp với thực tiễn, tùy vào điều kiện đặc thù của từng sông, hồ liên tỉnh, việc lập Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt có thể giao địa phương lập, gửi Bộ TN&MT để xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Tuy nhiên, Tổng cục Môi trường cho rằng vẫn cần phải xem xét.
Có ý kiến cho rằng, việc phân vùng môi trường còn mang tính chất chung chung, khó triển khai (Dự thảo Nghị định phân thành 3 vùng là vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải và vùng khác), do đó cần quy định chi tiết hơn về phân vùng môi trường. Chẳng hạn như bổ sung thêm vùng cần bảo vệ, vùng không phát thải, vùng hạn chế khai thác; để bảo đảm dễ hiểu, logic giữa các vùng thì cần đổi tên của các vùng; một số ý kiến đề nghị quy định rõ mức độ hạn chế phát thải trong vùng hạn chế phát thải và vùng khác.
Về phân vùng môi trường
Tổng cục Môi trường đề xuất không tiếp thu ý kiến này do pháp luật về quy hoạch đã quy định phân vùng môi trường gồm vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải và vùng khác. Do vậy, tên các vùng cần được giữ nguyên để bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong quá trình thực hiện.
Đối với quản lý phân vùng môi trường, có ý kiến đề nghị cân nhắc nội dung yêu cầu về quan trắc online đối với nguồn thải, chất thải từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc loại hình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong vùng bảo vệ nghiêm ngặt để phù hợp với quy định về quan trắc online trong Dự thảo Nghị định.
Cũng có ý kiến đề nghị bỏ quy định “UBND tỉnh quy định lộ trình áp dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất” do khó thực hiện, hơn nữa tại Điều 63 của Dự thảo Nghị định đã có quy định về kỹ thuật hiện có tốt nhất. Sau khi nghiên cứu ý kiến nêu, Tổng cục Môi trường đề xuất tiếp thu theo hướng bổ sung các quy định cụ thể về quy mô xả thải phải lắp đặt quan trắc online, đối tượng áp dụng tương ứng với các phân vùng môi trường quy định tại chương có liên quan về quan trắc môi trường trong Dự thảo Nghị định.
Có ý kiến chuyên gia cho rằng khái niệm phân vùng môi trường trong Dự thảo Nghị định là chưa được rõ ràng về các chỉ tiêu phân vùng; cũng có ý kiến cho rằng khái niệm này là chưa chính xác; hoặc có ý kiến cho rằng khái niệm này mới chỉ đề cập đến “tác động của ô nhiễm môi trường” mà thiếu nội dung về suy thoái môi trường (nhất là mảng xanh về hệ sinh thái, đa dạng sinh học). Một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định về phân vùng môi trường dựa trên hiện trạng chất lượng môi trường không khí, môi trường đất, nước…
Về vấn đề này, Tổng cục Môi trường cho rằng, tại Khoản 3, Điều 3 Luật BVMT 2020 quy định: Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia là việc sắp xếp, định hướng phân bố không gian phân vùng quản lý chất lượng môi trường; Điều 28 của Luật BVMT 2020 quy định các yếu tố nhạy cảm môi trường bao gồm cả con người và các loài sinh vật, các đối tượng này yêu cầu phải có chất lượng môi trường đảm bảo, từ đó xác định được các đối tượng cụ thể như nội thành nội thị, nguồn nước cấp cho sinh hoạt, khu bảo tồn thiên nhiên… bao gồm hiện trạng đang có và quy hoạch mới.
Trên cơ sở này, phân vùng môi trường được tiếp cận theo các đối tượng nhạy cảm, bao gồm cả sử dụng đất và khả năng bị tổn thương trước ô nhiễm môi trường. Từ các nội dung này hình thành nên khái niệm, nội hàm, tiêu chí của phân vùng môi trường và các yêu cầu về BVMT. Như vậy, cách tiếp cận phân vùng môi trường trong Dự thảo Nghị định đã bao gồm yếu tố về chất lượng môi trường liên quan đến các yếu tố nhạy cảm môi trường, tính đến khả năng bị tổn thương của đối tượng này trước tác động của ô nhiễm môi trường.
Theo Báo TNMT