Khí tượng Thủy văn

Phát huy hơn nữa vai trò nghiên cứu khoa học đầu ngành về Khí tượng thuỷ văn và Biến đổi khí hậu

10:51, 10/11/2021
Sáng 9/11, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đã chủ trì cuộc họp với Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu về công tác chuyên môn và một số định hướng nghiên cứu trong thời gian tới. Cùng dự có đại diện lãnh đạo Vụ Khoa học và Công nghệ, Tổng cục Khí tượng thủy văn, Cục Biến đổi khí hậu, Viện Khoa học tài nguyên nước.

 

q

Thứ trưởng Lê Công Thành phát biểu tại cuộc họp

Báo cáo về công tác thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, bà Phạm Thị Thanh Ngà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học KTTV&BĐKH cho biết, trong thời gian qua, Viện đã chủ động xây dựng và đề xuất các nhiệm vụ, đề tài, dự án, đảm bảo đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, kết quả nghiên cứu đạt chất lượng, cùng với đó là các hoạt động nghiên cứu được đẩy nhanh tiến độ.

Trong năm 2021, Viện tích cực triển khai thực hiện 3 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: Nghiên cứu ảnh hưởng của ENSO tới các yếu tố khí tượng thủy văn và Môi trường biển trên khu vực biển Đông phục vụ công tác dự báo và quản lý môi trường biển; Nghiên cứu thử nghiệm dự báo chất lượng không khí hạn ngắn cho khu vực thành phố Hà Nội; Nghiên cứu hoạt động của tín phong (trade wind) và ảnh hưởng đến thời tiết, khí hậu ở Việt Nam”; 2 Đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu đặc điểm cấu trúc trường mưa trong bão và thử nghiệm xây dựng mô hình dự báo phân bố mưa trong bão cho Việt Nam bằng số liệu vệ tinh” và “Nghiên cứu xây dựng phương pháp luận theo tiếp cận kết hợp "từ trên xuống" và "từ dưới lên" đánh giá rủi ro nguồn nước do thay đổi chế độ thủy văn dưới tác động của thay đổi khu vực và toàn cầu.

Về định hướng nghiên cứu những năm tiếp theo, ông Nguyễn Văn Thắng, Viện trưởng Viện Khoa học KTTV&BĐKH cho biết, Viện sẽ tiếp tục duy trì và phát triển đưa Viện trở thành một tổ chức khoa học, công nghệ và đào tạo hàng đầu của cả nước trong các lĩnh vực Khí tượng Thủy văn, Tài nguyên nước, Môi trường và Biến đổi khí hậu, có đội ngũ cán bộ nghiên cứu và giảng dạy trình độ cao, các nhà khoa học đầu ngành trong từng lĩnh vực; có khả năng hội nhập và hợp tác sâu rộng với nhiều quốc gia có nền khoa học công nghệ tiên tiến, đáp ứng tốt các yêu cầu phát triển khoa học công nghệ và sự phát triển kinh tế xã hội bền vững của đất nước; phấn đấu đưa các nghiên cứu của Viện đạt trình độ tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á và một số lĩnh vực đạt trình độ Châu Á

Viện sẽ tập trung nghiên cứu xây dựng công nghệ, mô hình dự báo dựa trên tác động của các hiện tượng thời tiết nguy hiểm cho các khu vực của Việt Nam; xem xét dịch vụ khí hậu; nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam dựa trên các kết quả công bố mới nhất của IPCC (Báo cáo AR6); Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến các yếu tố khí hậu và các hiện tượng khí hậu cực đoan ở Việt Nam.

Nghiên cứu cơ sở khoa học phục vụ quy hoạch và phát triển mạng lưới trạm quan trắc khí tượng, khí tượng nông nghiệp; cơ sở khoa học phục vụ xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật của ngành KTTV; các nghiên cứu về tăng cường vai trò và huy động nguồn lực từ khối tư nhân trong các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, các nghiên cứu phục vụ phát triển kinh tế tuần hoàn, các bon thấp, thị trường các bon; cơ sở khoa học phục vụ xây dựng luật BĐKH.

Nghiên cứu ứng dụng công nghệ mô hình số và công nghệ mới (AI, Big Data) trong dự báo tác động và khuyến cáo ứng phó, xử lý sản phẩm cảnh báo và dự báo khí hậu trong dự báo phục vụ các ngành kinh tế - xã hội; mô hình hóa tác động của khí hậu đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội; xây dựng công cụ cảnh báo và dự báo tác động dựa trên công nghệ AI và Big Data.
 

img_9215.jpg
Toàn cảnh cuộc họp

Phát triển dịch vụ dự báo tác động, dự báo phục vụ phát triển kinh tế xã hội, cung cấp thông tin hỗ trợ ra quyết định, ứng dụng thông tin khí hậu phục vụ phát triển bền vững của các Bộ, ngành và địa phương.

Đẩy mạnh các nghiên cứu cải tiến chất lượng dự báo lũ trên lưu vực sông và dự báo ngập lụt đô thị theo hướng ứng dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo), đồng hóa dữ liệu mưa, hiệu chỉnh kết quả sau mô hình.

Phát triển các nghiên cứu nhằm cải tiến chất lượng cảnh báo lũ quét thông qua việc làm chủ công nghệ cảnh báo lũ quét và nâng cấp mô hình VNOFFG (theo hướng hiệu chỉnh dữ liệu mưa, tích hợp radar và nâng cấp mô hình).

Xây dựng và hoàn thiện phương pháp đánh giá và dự báo chất lượng môi trường không khí, kiểm kê phát thải và lập kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí, mô hình xử lý nước thải tại chỗ, mô hình quản lý nước thải và công nghệ đánh giá sức chịu tải môi trường nước mặt; phát triển mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho đô thị và nông thôn, công nghệ tái chế chất thải hữu cơ và rác thải thực phẩm hướng tới nền kinh tế tuần hoàn.

Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các đơn vị: Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Cục Biến đổi khí hậu, Viện Khoa học Tài nguyên nước, Vụ Khoa học và Công nghệ đánh giá cao hoạt động hợp tác cùng Viện thời gian qua đã giúp triển khai, hoàn thành các nhiệm vụ đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả. Đồng thời góp ý, chia sẻ để thúc đẩy hơn nữa công tác phối hợp thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn góp phần vào sự phát triển của ngành khí tượng thủy văn và đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu đã đặt ra trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam sẽ có kế hoạch và lộ trình ban hành những quy định mới về giảm phát thải khí nhà kính. Vì vậy, với vai trò là cơ quan nghiên cứu khoa học đầu ngành về KTTV&BĐKH, Viện cần phối hợp với các đơn vị quản lý nhà nước của Bộ cùng nhau gom góp trí tuệ tập thể tham mưu cho lãnh đạo Bộ ban hành các Thông tư và trình các cấp có thẩm quyền ban hành các quy định trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu.

Thứ trưởng đề nghị lãnh đạo Viện tập trung đẩy mạnh hơn nữa các nghiên cứu hướng chuyên nghiệp hóa hoạt động dịch vụ, có thể tách riêng đơn vị làm dịch vụ tránh chồng chéo. Điều này sẽ giúp nâng cao giá trị các sản phẩm dịch vụ khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, tạo đà phát triển cho đơn vị trong thời gian tới.

Thứ trưởng cũng thông báo nhanh về kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) vừa được tổ chức tại Glasgow (Vương quốc Anh) đã đạt được những tín hiệu đáng mừng về các thỏa thuận ngăn chặn và đẩy lùi nạn phá rừng, cắt giảm khí metan, than đá. Đặc biệt, là cam kết đáng chú ý của Việt Nam đặt mục tiêu trung hòa khí thải vào năm 2050 và loại bỏ điện than trong giai đoạn 2030-2040 được cộng đồng quốc tế đánh giá tích cực.

Theo Báo Tài nguyên và Môi trường