Mưa, bão, lũ lụt, hạn hán… là những loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra ở nước ta và ngày càng trở trên trầm trọng, phức tạp hơn trong những năm gần đây, tác động mạnh mẽ đến đời sống người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Vậy làm thế nào để giúp người dân vùng núi, trung du vững vàng hơn trước thiên tai, giảm thiểu thiệt hại?
Trả lời câu hỏi này, Phóng viên (PV) Báo Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã trao đổi với ông Hoàng Đức Cường (ảnh) - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) - Bộ TN&MT.
PV: Thưa ông, vì sao đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là đối tượng dễ bị tổn thương nhiều nhất do thiên tai? Để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai cho khu vực này, công tác dự báo, cảnh báo KTTV đang được thực hiện ra sao?
Ông Hoàng Đức Cường:
Khu vực miền núi và trung du Việt Nam phổ biến có địa hình rất phức tạp với nhiều đồi núi cao, bị chia cắt hình thành các vùng/tiểu vùng khí hậu khác nhau. Thực tế cho thấy, những năm gần đây, các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan ở khu vực này đã và đang có những diễn biến phức tạp. Cường độ, thời gian, địa điểm xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan không còn tuân theo quy luật vốn có của khí hậu.
Ông Hoàng Đức Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn. |
Đây lại là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số, vốn thiếu các trang thiết bị, thiếu thông tin và kỹ năng phòng tránh. Vì vậy, khi những đợt mưa lũ cực đoan diễn ra có xu thế thường xuyên hơn, đặc biệt mưa lớn cục bộ, lũ quét, sạt lở đất, những đợt rét đậm, rét hại xảy ra đã tác động lớn tới đời sống của người dân, gây thiệt hại về người và tài sản.
Để giúp người dân đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phòng chống thiên tai, những năm qua, ngành KTTV đã liên tục theo dõi, cung cấp các thông tin cảnh báo, dự báo KTTV kịp thời và có những bước phát triển rõ nét. Theo đó, dựa trên cơ sở vật chất, công nghệ quan trắc giám sát khí hậu từng bước được nâng cao, hiện đại hóa; chất lượng cảnh báo, dự báo đã được cải thiện theo hướng tăng cường dự báo, cảnh báo từ sớm, dài hạn về KTTV, kịp thời phục vụ người dân và công tác phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai.
Đến nay, thời hạn dự báo, cảnh báo thiên tai đã được tăng lên đáng kể so với 1 thập niên trước. Về dự báo, cảnh báo bão: Độ chính xác trong bản tin dự báo bão (vị trí và cường độ bão) của Việt Nam tiệm cận với trình độ dự báo bão của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Thời hạn dự báo quỹ đạo bão lên 5 ngày và áp thấp nhiệt đới lên 3 ngày nhằm đáp ứng tốt hơn công tác phòng, chống thiên tai. Dự báo, cảnh báo mưa lớn trước 2 - 3 ngày. Dự báo, cảnh báo lũ trên các sông khu vực miền Trung, Tây Nguyên trước 24 - 48 giờ, khu vực Bắc Bộ trước 3 - 5 ngày,…
PV: Trong mùa mưa bão, người dân vùng miền núi gặp không ít lo lắng trước nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Ngành KTTV đang phối hợp với các cấp, các ngành, các đơn vị để cảnh báo các loại hình thiên tai này đến người dân như thế nào, thưa ông?
Ông Hoàng Đức Cường:
Để giúp người dân phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất, Tổng cục KTTV đã tăng cường năng lực dự báo từ Trung ương đến các đài khu vực, đài tỉnh, các trạm ở tuyến huyện, tuyến phường xã; chi tiết hóa các bản tin cảnh báo sạt lở đất. Trong thời gian qua, Tổng cục KTTV kế thừa các sản phẩm nghiên cứu của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam sử dụng trong dự báo, cảnh báo; bước đầu xây dựng được website cảnh báo sạt lở đất thời gian thực hỗ trợ công tác cảnh báo tại địa phương.
Công tác PCTT tại các tỉnh miền núi cần đặc biệt quan tâm nhằm giảm thiểu thiệt hại. |
Các bản tin cảnh báo trượt lở đất đá được thực hiện định kỳ 6 giờ/lần và gửi đến Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh có nguy cơ xảy ra trượt lở đất đá với mức độ chi tiết đến cấp huyện. Căn cứ các bản tin cảnh báo của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, các Đài KTTV tỉnh tiếp tục chi tiết các khu vực trọng điểm có nguy cơ trượt lở đất đá. Ngoài ra, các Đài KTTV tỉnh cũng cung cấp hiện trạng vị trí các điểm đã xảy ra trượt lở đất đến Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh; phối hợp cùng địa phương để khoanh vùng các khu vực trọng điểm có nguy cơ trượt lở đất đá, từ đó đề xuất các giải pháp ứng phó.
Chúng tôi nhận thấy, việc phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, các cấp chính quyền từ Trung ương đến từng người dân ở cơ sở - những người trực tiếp bị ảnh hưởng để nhận diện những dấu hiệu lũ, lũ quét,… nhằm tăng cường thông tin cảnh báo trượt lở đất đá đến cộng đồng là vô cùng cần thiết. Bên cạnh đó, ngành KTTV đã thực hiện đa dạng hóa hình thức truyền tin bằng nhiều hình thức, kết hợp các kênh thông tin đại chúng,...nhằm truyển tải các loại bản tin cảnh báo đến người dân một cách nhanh nhất.
PV: Hiện đang là thời điểm mưa lũ ở khu vực Trung Bộ. Ông có khuyến cáo gì tới người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra?
Ông Hoàng Đức Cường:
Thời gian tới, các đợt mưa lớn, lũ lớn sẽ có nhiều nguy cơ tiếp tục xuất hiện. Để phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, chúng tôi khuyến cáo người dân địa phương, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số cần chủ động theo dõi và cập nhật thông tin thường xuyên về diễn biến KTTV từ các cấp chính quyền tới những người dân địa phương, trưởng làng, trưởng bản và các kênh thông tin có thể tiếp cận.
Từ nay đến hết năm 2021, trên các sông ở Trung Bộ, Tây Nguyên có khả năng xuất hiện 2 - 3 đợt lũ, đỉnh lũ cao nhất trên các sông ở mức báo động 2 - báo động 3, có sông trên báo động 3. Trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất.
Người dân không được chủ quan trước các hiện tượng thiên tai đã và đang xảy ra vì diễn biến thiên tai rất bất thường, khó có thể lường trước sự nguy hiểm. Bên cạnh đó, người dân cần tự trang bị kiến thức cơ bản về thiên tai, KTTV và những ảnh hưởng của nó để có sự chủ động phòng, tránh khi thiên tai xảy ra.
Đặc biệt, người dân địa phương cần nắm vững địa hình nơi cư trú, kết hợp với thông tin nhận được từ các cơ quan KTTV để có giải pháp đảm bảo an toàn cho mình và cho những người xung quanh. Ví dụ như khi có mưa lớn, thường xuyên quan sát các hiện tượng xảy ra xung quanh như các vết nứt đất, đá, sự thay đổi của nước sông (màu sắc, mức nước)… để kịp thời phát hiện nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, tránh trú tới nơi an toàn.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Báo TNMT