Khí tượng Thủy văn

Điều kiện tiên quyết để ngành Khí tượng thủy văn tiếp tục nỗ lực toàn diện các mặt công tác

08:30, 02/10/2021
Đây là khẳng định của GS.TS Trần Hồng Thái, Tổng Cục trưởng Tổng cục KTTV về ý nghĩa của Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư đối với sự phát triển của ngành Khí tượng thủy văn (KTTV) trong tương lai.

 

750

GS.TS Trần Hồng Thái, Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn

Cơ sở chính trị quan trọng

Ngày 25/9/2021, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã ký ban hành Chỉ thị số 10-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác KTTV đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là lần đầu tiên, ngành KTTV Việt Nam được Ban Bí thư ban hành Chỉ thị riêng.

Theo GS.TS Trần Hồng Thái, Tổng Cục trưởng Tổng cục KTTV, trải qua 76 năm xây dựng, phát triển, ngành KTTV luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, đã đạt nhiều kết quả, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia và phục vụ đời sống của nhân dân. Việc Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 10-CT/TW đã tiếp tục khẳng định, công tác KTTV không chỉ đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững mà còn cả trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bởi thông tin, dữ liệu KTTV ảnh hưởng tới 11/17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) và là cơ sở dữ liệu “đầu vào” của hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế, đời sống xã hội, nhất là đối với công tác phòng, chống thiên tai, thông tin KTTV giữ vai trò tối quan trọng ở cả ba giai đoạn là phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 10-CT/TW cho thấy yêu cầu và nhìn nhận đánh giá coi công tác KTTV là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, thường xuyên, liên tục, phải có sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. “Đây cũng là điều kiện tiên quyết và cơ sở chính trị hết sức quan trọng để ngành tiếp tục nỗ lực toàn diện các mặt công tác, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, ông Trần Hồng Thái nhấn mạnh.

Phấn đấu đạt trình độ các nước tiên tiến khu vực châu Á

Nói về những thách thức đối với ngành KTTV trong bối cảnh hiện nay, ông Trần Hồng Thái cho rằng, chất lượng dự báo, cảnh báo KTTV của Việt Nam dần tiệm cận tới trình độ của các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, công tác dự báo, cảnh báo KTTV có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, nguồn lực dành cho công tác KTTVcòn hạn chế, cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa được đầu tư, nâng cấp kịp thời.

Chỉ thị số 10-CT/TW cũng chỉ rõ thực tế, nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác KTTV chưa đầy đủ, thiếu thống nhất; năng lực, trình độ của cán bộ chưa đồng đều, chưa làm chủ được một số công nghệ hiện đại; tổ chức bộ máy, quản lý Nhà nước, sự phối hợp giữa các ban, bộ, ngành, địa phương còn thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm chưa được quan tâm đúng mức.

Để đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và đạt mục tiêu đến năm 2030 ngành KTTV nước ta đạt trình độ tương đương các nước tiên tiến khu vực châu Á, ông Trần Hồng Thái cho biết, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể quán triệt và triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác KTTV. Công tác KTTV là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, thường xuyên, liên tục, phải có sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Nâng cao năng lực, chất lượng dự báo, cảnh báo KTTV, giám sát biến đổi khí hậu với độ tin cậy, chính xác cao. Chú trọng đầu tư hệ thống hạ tầng, trang thiết bị theo hướng hiện đại, đồng bộ, tự động hóa, tích hợp đa mục tiêu. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về KTTV.

Đồng thời, củng cố tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về công tác KTTV, gắn với đổi mới phương thức hoạt động hiệu quả; phân công, phân cấp, xác định rõ trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan, tổ chức liên quan, nhất là người đứng đầu. Kết hợp nguồn lực từ ngân sách nhà nước với đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư trong nước và quốc tế cho công tác KTTV. Ưu tiên phân bổ ngân sách nhà nước cho hoạt động KTTV của quốc gia. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong lĩnh vực KTTV.

Trong tổ chức thực hiện Chỉ thị, Ban Bí thư yêu cầu các Tỉnh ủy, Thành ủy, Ban Cán sự Đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc Trung ương tổ chức nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Chỉ thị.

“Trong thời gian tới, với trách nhiệm trước Đảng và trước nhân dân, ngành KTTV sẽ phấn đấu, nỗ lực hơn nữa, sáng tạo, đổi mới hơn nữa để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, đóng góp một phần công sức vào sự nghiệp chung xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, ông Trần Hồng Thái nhấn mạnh.

Theo Báo TNMT