Dự cuộc họp có đại diện các đơn vị trong Ban Chỉ huy PCTT&TKCN của Bộ; kết nối trực tuyến với các Đài KTTV khu vực: Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Đồng bằng Bắc Bộ, Đông Bắc.
|
Thứ trưởng Lê Công Thành phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Thanh Tùng |
Bão sắp đi vào Vịnh Bắc Bộ, khả năng suy yếu về cường độ
Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, hồi 16 giờ, vị trí tâm bão số 8 ở khoảng 19,1 độ Vĩ Bắc; 110,2 độ Kinh Đông, trên đất liền phía Đông đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách Thanh Hóa khoảng 500km, cách Nghệ An khoảng 510km, cách Hà Tĩnh khoảng 440km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 300km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25km, đi vào vùng biển phía Nam Vịnh Bắc Bộ và có khả năng tiếp tục suy yếu dần về cường độ. Đến 4 giờ ngày 14/10, vị trí tâm bão ở khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 107,4 độ Kinh Đông, cách Thanh Hóa khoảng 190km, cách Nghệ An khoảng 200km, cách Hà Tĩnh khoảng 130km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ, đi được khoảng 25km, đi vào đất liền khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau là một vùng áp thấp trên khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 16,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 113,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.
|
Bão số 8 di chuyển nhanh, có thể suy giảm về cường độ khi vào đất liền. Ảnh: TTDB KTTV QG |
Nhiều tỉnh mưa to, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất
Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết, từ đêm nay (13/10) đến ngày 14/10, ở vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình có gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 9; một số nơi ở phía Bắc hoàn lưu bão có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 do kết hợp với không khí lạnh.
Ở khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) trong chiều nay còn có gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 10-11, giật cấp 14; sóng biển cao từ 5,0-7,0m; biển động dữ dội. Ở Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ) và vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi (bao gồm huyện đảo Cồn Cỏ) có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 11; sóng biển cao từ 3,0-5,0m, biển động rất mạnh.
Ven biển các tỉnh từ Thái Bình đến Hà Tĩnh cần đề phòng nước dâng do bão cao từ 0,4-0,6m, kết hợp với triều cường gây ngập úng tại các khu vực trũng, thấp vào sáng ngày 14/10.
Chiều và đêm nay (13/10), ở khu vực Giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 8, sóng biển cao từ 2,0-4,0m, biển động.
|
Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia Mai Văn Khiêm phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Thanh Tùng |
Cũng theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, từ chiều tối nay (13/10) đến ngày 15/10, ở khu vực Bắc Bộ và Quảng Trị có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 100-150mm/đợt, có nơi trên 200mm/đợt. Từ nay (13/10) đến đêm 15/10, khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 200-300mm/đợt, có nơi trên 350mm/đợt. Đề phòng nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.
Từ 16/10 đến 19/10, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới nên ở khu vực Trung Bộ tiếp tục có khả năng xảy ra mưa to đến rất to.
Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông, khu đô thị, đặc biệt tại các tỉnh Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Hòa Bình, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nam, Thành phố Hà Nội, từ Thanh Hóa đến Quảng Trị.
Công tác dự báo kịp thời
Phát biểu tại cuộc họp, lãnh đạo Đài KTTV Đồng bằng Bắc Bộ cho biết, hệ thống quan trắc của Đài hoạt động bình thường, các đơn vị dự báo bám sát các cơ quan phòng chống thiên tai của địa phương, cung cấp kịp thời thông tin về bão, mưa lớn cho Ban chỉ huy PCTT&TKCN địa phương.
Các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ còn diện tích khá lớn về lúa chưa thu hoạch. Nhiều nhất hiện nay là tỉnh Thái Bình, trong trường hợp có lượng mưa khoảng 150mm, gió mạnh cấp 6, cấp 7 thì sẽ có khoảng 35 nghìn ha lúa tỉnh Thái Bình bị ảnh hưởng; Tại Ninh Bình, nếu mưa chỉ cần từ 80-100mm và gió cấp 7, cấp 8 thì sẽ mất trắng khoảng 3-4 nghìn ha huyện Kim Sơn. Hiện, ở Ninh Bình đã thực hiện việc di dân cư ngoài khu vực đê Bình Minh 2 đến nơi an toàn. Việc di dời sẽ kết thúc trước 18 giờ hôm nay.
|
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Thanh Tùng |
Lãnh đạo Đài KTTV Bắc Trung Bộ cho biết, mấy ngày nay, ở Bắc Trung Bộ có lượng mưa không lớn. Hà Tĩnh có điểm Hoành Sơn mưa khoảng 50mm. Hòn Ngư đã có gió Tây Bắc mạnh cấp 5. Về tình hình hồ chứa, hiện khu vực Bắc Trung Bộ nhiều hồ đã đầy, nhiều hồ vận hành đã lâu, xuống cấp nhiều nên có nguy cơ bị tác động bởi cơn bão này. Các hồ chứa được thiết kế trong những năm gần đây có thể đảm bảo an toàn trước mưa lũ.
Hiện nay, Nghệ An có kế hoạch di dời 33 điểm dễ bị sạt lở tại các huyện Quế Phong, Quỳ Hợp, Kỳ Sơn, Tương Dương. Tỉnh cũng có nhiều lồng bè nuôi trồng thủy hải sản. Ở Thanh Hóa, hiện có 6.673 phương tiện với hơn 24.700 lao động, trong đó có 6597 phương tiện đã vào đến nơi tránh trú, còn 76 phương tiện đang hoạt động, chưa vào bờ.
|
Tổng Cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Thanh Tùng |
Tổng Cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái nhấn mạnh, so với các cơn bão trước, các mô hình dự báo của cơn bão số 8 khá tập trung. Theo đó, tốc độ di chuyển của bão nhanh nên công tác dự báo cần chú ý, trao đổi thông tin thường xuyên hơn, cảnh báo kịp thời những điểm bất thường của cơn bão; đặc biêt, đưa ra cảnh báo sát về lũ quét, sạt lở đất.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành đánh giá cao công tác dự báo của Tổng cục KTTV đã rất kịp thời trong những ngày qua. Đồng thời, nhấn mạnh, lượng mưa tại các khu vực dự báo ảnh hưởng của bão số 8 đã khá lớn nên nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, do vậy công tác dự báo cần kịp thời.
Thứ trưởng Lê Công Thành cũng cho biết, theo báo cáo tại các cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, hiện tại, ở các địa phương có nhiều công trình đang triển khai dở dang. Các đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư. Do vậy, các Đài KTTV khu vực cần theo sát thông tin này, khi tham gia các cuộc họp của Ban Chỉ huy tại PCTT&TKCN tại địa phương đưa ra cảnh báo, nhận định, tránh những thiệt hại đáng tiếc xảy ra.
Theo Báo TNMT