Luật Đo đạc và Bản đồ được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/01/2019. Đến nay, qua gần 2 năm thực hiện đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý hoạt động đo đạc và bản đồ. Nhân dịp này, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn ông Hoàng Ngọc Lâm – Cục trưởng Cục Đo đạc Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam.
Phóng viên: Để triển khai Luật, Cục đã tham mưu trình Bộ, trình Chính phủ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật như thế nào?
Cục trưởng Hoàng Ngọc Lâm: Thi hành Luật Đo đạc và bản đồ, trong 2 năm qua khối lượng các văn bản quy phạm pháp luật cần xây dựng là rất lớn. Để đảm bảo tiến độ và chất lượng xây dựng, thời gian qua Cục Đo đạc, bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam luôn chủ động thực hiện công tác chuẩn bị, tất cả các văn bản dự kiến xây dựng Cục đều giao cho một nhóm chủ trì nghiên cứu để xây dựng nội dung; mỗi văn bản đều có Quyết định thành lập tổ chuẩn bị để tổ chức thực hiện. Với sự chủ động như trên, tất cả các văn bản quy phạm pháp luật được giao thời gian qua đều được xây dựng đảm bảo tiến độ và chất lượng theo đúng kế hoạch. 2 năm qua, Cục Đo đạc, bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đã hoàn việc xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành 02 Nghị định, 19 Thông tư cụ thể:
02 Nghị định của Chính phủ gồm: Nghị định số 27/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đo đạc và bản đồ; Nghị định 18/2020/NĐ-CP ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ.
08 Thông tư ban hành Danh mục địa danh sơn văn, thủy văn, kinh tế xã hội phục vụ lập bản đồ của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Ninh Bình và Đắk Nông.
09 Thông tư về kỹ thuật đo đạc và bản đồ gồm: Thông tư quy định về kiểm tra, thẩm định, nghiệm thu chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ; Thông tư quy định về kỹ thuật thành lập, cập nhật bộ bản đồ chuẩn biên giới quốc gia và thể hiện đường biên giới quốc gia, chủ quyền lãnh thổ quốc gia trên các sản phẩm đo đạc và bản đồ, xuất bản phẩm bản đồ; Thông tư quy định kỹ thuật thành lập mô hình số độ cao bằng công nghệ LiDAR; Thông tư quy định kỹ thuật về nội dung và ký hiệu bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000; Thông tư quy định kỹ thuật về nội dung và mô hình cấu trúc cơ sở dữ liệu nền địa lý 1:2.000, 1:5.000; Thông tư quy định kỹ thuật về sử dụng hệ thống trạm định vị vệ tinh quốc gia trong đo đạc và bản đồ; Thông tư quy định kỹ thuật về nội dung và ký hiệu bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:10.000; 1:25.000; Thông tư quy định kỹ thuật xây dựng lưới trọng lực quốc gia; Thông tư quy định kỹ thuật về mô hình cấu trúc, nội dung cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia tỷ lệ 1:10.000, 1:25.000; Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chuẩn thông tin địa lý cơ sở.
01 Thông tư ban hành Định mức kinh tế kỹ thuật đo đạc trực tiếp phục vụ công tác đo đạc thành lập bản đồ địa hình, cơ sở dữ liệu nền địa lý tỷ lệ 1:500, 1:1000, 1:2000 và 1:5000; 01 Thông tư ban hành Định mức kinh tế kỹ thuật quản lý, lưu trữ, cung cấp, khai thác thông tin dữ liệu sản phẩm đo đạc và bản đồ Cục đã xây dựng xong, hiện đã trình Bộ TN&MT thẩm định và sẽ ban hành trong năm 2020 theo đúng kế hoạch.
Phóng viên: Thưa ông, Luật Đo đạc và Bản đồ là cơ sở pháp lý quan trọng, “cú hích” để tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đo đạc và bản đồ ở địa phương. Vậy Cục đã tiến hành công tác tuyên truyền Luật, nâng cao nhận thức về công tác quản lý Nhà nước về đo đạc và bản đồ ở địa phương như thế nào, thưa ông?
Cục trưởng Hoàng Ngọc Lâm: Để đảm bảo thi hành Luật Đo đạc và bản đồ, nhanh chóng đưa Luật đi vào cuộc sống, thời gian qua Cục Đo đạc, bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật về đo đạc và bản đồ đối với các tổ chức, cá nhân và đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành.
Bằng những hoạt động tuyên truyền linh hoạt, đa dạng như xây dựng tài liệu hướng dẫn thi hành luật, phổ biến hướng dẫn trên các trang thông tin điện tử và các phương tiện truyền thông, phối hợp chặt chẽ hiệu quả của các cơ quan báo chí truyền thông như: Thông tấn xã Việt Nam, Truyền hình quốc hội, Báo Tài nguyên & Môi trường… Cục cũng đã cử cán bộ là lãnh đạo Cục và các cán bộ chủ chốt tham gia trực tiếp trong quá trình xây dựng Luật để tham gia triển khai, hướng dẫn thi hành luật tại các tỉnh, thành phố như: Đồng Nai, Thành phố HCM, Bình Định, Phú Yên, Thừa Thiên - Huế, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn… tới nay Luật Đo đạc và Bản đồ đã được tuyên truyền phổ biến sâu rộng, góp phần nâng cao ý thức pháp luật của các tổ chức, cá nhân, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, góp phần đưa hoạt động đo đạc và bản đồ từng bước đi vào nền nếp.
Phóng viên: Trong thời gian tới đây, Cục có những kế hoạch gì để tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ?
Cục trưởng Hoàng Ngọc Lâm: Nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đo đạc và bản đồ luôn được Cục xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Để hoàn thiện hệ thống pháp luật về đo đạc và bản đồ, ngay sau khi Luật Đo đạc và bản đồ có hiệu lực thi hành, Cục đã chủ trì phối hợp với các Bộ ngành, địa phương tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến hoạt động đo đạc và bản đồ; đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm phù hợp với Luật Đo đạc và bản đồ. Qua kết quả rà soát đã đặt ra một khối lượng công việc lớn trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Cục.
Thứ nhất là, xây dựng để ban hành mới 18 Thông tư trong đó: 07 Thông tư của Bộ trưởng các bộ quy định về kỹ thuật đo đạc và bản đồ; 05 Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Định mức kinh tế kỹ thuật về đo đạc và bản đồ; 06 Thông tư ban hành Danh mục địa danh dân cư, sơn văn, thủy văn, kinh tế - xã hội phục vụ công tác thành lập bản đồ của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Thứ hai là, xây dựng để ban hành thay thế 20 Thông tư, Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính (nay là Tổng cục Quản lý đất đai) liên quan đến quy định kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật đo đạc và bản đồ hiện không còn phù hợp với Luật Đo đạc và bản đồ, Luật Tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật;
Thứ ba là, sửa đổi, bổ sung 02 Thông tư gồm: Thông tư quy định về mức thu, chế độ thu, nộp quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu đo đạc và bản đồ; Thông tư điều chỉnh bổ sung danh mục địa danh dân cư, sơn văn, thủy văn, kinh tế - xã hội phục vụ công tác thành lập bản đồ của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có sự thay đổi khi các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện có sự thay đổi do thực hiện theo Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24 tháng 12 năm 2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã.
Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề, song lãnh đạo Cục cùng toàn thể cán bộ, công chức của Cục luôn đặt quyết tâm phấn đấu hoàn thành đúng kế hoạch đã đặt ra, với mục tiêu xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch.
Xin trân trọng cảm ơn Ông!