Sau 12 năm triển khai thực hiện Chiến lược, ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc hoàn thiện và hiện đại hóa hạ tầng đo đạc và bản đồ, làm nền tảng để triển khai các hoạt động đo đạc và bản đồ thống nhất trên toàn quốc, liên kết hội nhập quốc tế, giải quyết các bài toán liên quan về khoa học trái đất, các ứng dụng trong định vị dẫn đường bằng vệ tinh.
Để hiện thực hóa việc xây dựng hệ tọa độ quốc gia trở thành hệ tọa độ 3D theo quan điểm hiện đại, được kết nối với khung tham chiếu mặt đất quốc tế (ITRF), trong thời gian qua Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý việt Nam đã triển khai thực hiện một số giải pháp cụ thể, đó là: bước đầu xây dựng mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia với tổng số 65 trạm, trong đó có 24 trạm tham chiếu cơ sở hoạt động liên tục và 41 trạm tham chiếu hoạt động liên tục, triển khai thực hiện Đề án “Hoàn chỉnh hệ quy chiếu và hệ tọa độ quốc gia Việt Nam” nhằm đáp ứng mục tiêu hoàn thiện và hiện đại hóa hạ tầng đo đạc và bản đồ cơ bản, thúc đẩy việc ứng dụng khoa học, công nghệ đối với Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; làm nền tảng để hoàn chỉnh hệ quy chiếu và hệ tọa độ quốc gia 3D; cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin, dữ liệu đo đạc và bản đồ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; giám sát tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và cứu nạn, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, thúc đẩy nghiên cứu khoa học về trái đất.
Trong giai đoạn vừa qua Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam cũng đã hoàn thành việc xây dựng mô hình geoid với lưới ô chuẩn trọng lực (3’x 3’) ở vùng đồng bằng và trung du đảm bảo xác định độ cao độ chính xác đến 10 cm bằng phương pháp GNSS tại khu vực đồng bằng. Đồng thời đã xây dựng và hoàn chỉnh hệ trọng lực quốc gia bao gồm 11 điểm trọng lực cơ sở trong đó có 4 điểm cũ, 31 điểm trọng lực hạng I, 106 điểm trọng lực vệ tinh. Các điểm trọng lực cơ sở và các điểm trọng lực hạng I được đo bằng máy đo trọng lực tuyệt đối, các điểm trọng lực vệ tinh được đo bằng máy trọng lực tương đối.
Với thực trạng về hạ tầng đo đạc cơ bản hiện nay của Việt Nam, xuất phát từ yêu cầu thực tế, việc hoàn thiện và hiện đại hóa hạ tầng đo đạc cơ bản là nhiệm vụ và yêu cầu cấp bách cần phải thực hiện trong thời gian tới, đáp ứng các yêu cầu trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và sẵn sàng phục vụ cho việc xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số.