Trong Chiến lược đo đạc và bản đồ đến năm 2020, Dự án “Hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam” đã được triển khai thực hiện với các nội dung chủ yếu: đo vẽ bản đồ địa chính chính quy, lập hồ sơ địa chính hiện đại, thành lập hệ thống thông tin đất đai của cả nước.
Trong thời kỳ Chiến lược, Dự án “Hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam” đã được triển khai thực hiện với các nội dung chủ yếu: đo vẽ bản đồ địa chính chính quy, lập hồ sơ địa chính hiện đại, thành lập hệ thống thông tin đất đai của cả nước. Đây là Dự án có quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc, đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư theo nguồn vốn vay ODA, do Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương làm chủ đầu tư bắt đầu thực hiện từ năm 2008. Qua thời gian thực hiện từ năm 2008 đến năm 2015 (tại 09 tỉnh gồm Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre) dự án đã kết thúc. Đối với các tỉnh còn lại, theo Nghị quyết số 39/2012/QH13 của Quốc hội, các tỉnh đồng loạt xây dựng Dự án tổng thể với mục tiêu đo đạc, thành lập mới, chỉnh lý hệ thống bản đồ địa chính; xây dựng hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai. Tới hết năm 2019, tại các tỉnh, nhiệm vụ đo đạc thành lập bản đồ địa chính đã đạt được 25.071.298 ha chiếm 76% diện tích tự nhiên; việc xây dựng hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai được lồng ghép triển khai đồng thời với công tác thành lập, chỉnh lý bản đồ địa chính; việc đổi mới hệ thống quản lý đất đai, trên địa bàn 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã xây dựng Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp thay thế Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất hai cấp, đảm bảo quản lý vận hành hệ thống thông tin đất đai hiệu quả.
Việc thực hiện nhiệm vụ hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam theo Chiến lược đã góp phần thay đổi cách thức triển khai các nhiệm vụ đo đạc bản đồ địa chính, khắc phục cơ bản tình trạng đo đạc bản đồ địa chính xong không thực hiện kê khai đăng ký đất đai, lập hồ sơ địa chính kịp thời để đưa kết quả vào thực hiện quản lý thống nhất. Với mục tiêu cuối cùng là lập hồ sơ địa chính, xây dựng hệ thống thông tin đất đai, kết quả đã tạo chuyển biến tích cực trong công tác quản lý đất đai trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên việc thực hiện cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, cụ thể: việc đầu tư thực hiện bằng vốn ngân sách địa phương trong bối cảnh ngân sách địa phương của nhiều tỉnh còn hạn hẹp, dẫn tới việc đầu tư dàn trải, nhiều địa phương sau khi đo đạc, thành lập bản đồ địa chính đã xong nhưng việc xây dựng hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai còn chậm, hệ thống thông tin đất đai thiết lập song việc cập nhật không kịp thời; quy định kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật về đo đạc và bản đồ địa chính thời gian qua thay đổi nhiều, việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới trong đo đạc địa chính nhằm tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm chưa được chú trọng.