Địa chất khoáng sản

Tăng tốc xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản

18:00, 09/01/2024
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh làm việc với các đơn vị liên quan, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Luật

Dự án Luật Địa chất và Khoáng sản được thành lập theo Quyết định số 476/QĐ-BTNMT ngày 6/3/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng; được Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương; các Hội nghề nghiệp, Hiệp hội khai thác khoáng sản; Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI); các tập đoàn, tổng công ty hoạt động trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản. Hồ sơ dự án Luật đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ cũng như Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường từ ngày 31/7 - 1/10/2023 để lấy ý kiến rộng rãi, người dân và doanh nghiệp góp ý trực tiếp cho các Dự thảo.

Theo dự kiến, Kế hoạch xây dựng Luật Địa chất và khoáng sản, Quốc hội sẽ cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024). Như vậy, chỉ chưa đầy một năm nữa, Luật Địa chất và Khoáng sản dự kiến sẽ được thông qua.

Quá trình xây dựng dự án Luật Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức 3 Hội thảo tại 3 miền (miền Bắc tại Quảng Ninh ngày 15/9/2023, miền Nam tại Lâm Đồng ngày 29/9/2023, miền Trung tại Khánh Hòa ngày 13/10/2023), cũng như khảo sát thực tế tại các địa phương gồm: Đắk Nông, Lâm Đồng, Thanh Hóa để tham vấn các ý kiến đối với Dự thảo Luật.

Theo TS. Lê Ái Thụ - Chủ tịch Hội Địa chất Kinh tế Việt Nam, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản làm tăng chi phí sản xuất dẫn đến tổn thất tài nguyên khoáng sản. Trên thực tế, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là khoản chi của doanh nghiệp hoạt động khoáng sản, nên khi chi phí tăng, doanh nghiệp buộc phải tìm cách giảm các chi phí khác. Một trong những cách giảm chi phí có hiệu quả nhất là khai thác khu vực giàu, có điều kiện khai thác thuận lợi và bỏ lại phần quặng nghèo hơn, khó khai thác hơn.

Những ý kiến góp ý trực tiếp chỉ là đại diện cho phần nào trong tổng thể rất nhiều ý kiến gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường. Điều đó cho thấy Luật Địa chất và Khoáng sản đã và đang nhận được sự quan tâm vô cùng lớn từ người dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhà quản lý, nhà khoa học... Họ mong chờ Luật Địa chất và Khoáng sản ra đời để gỡ những "nút thắt" trong Luật Khoáng sản hiện hành, từ đó tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về địa chất và khoáng sản, đáp ứng yêu cầu quản lý tập trung, thống nhất quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản trong giai đoạn mới.

Thực hiện: Trung tâm Truyên thông tài nguyên và môi trường


Ý kiến bạn đọc