Phát triển du lịch di sản gắn với bảo tồn địa học thiên nhiên
PGS.TS. Vũ Văn Phái - Giảng viên Khoa Địa lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định: Bờ biển và đảo gần bờ Việt Nam có rất nhiều di chỉ địa mạo được chia thành di chỉ địa mạo nội sinh và di chỉ địa mạo ngoại sinh. Các di chỉ địa học nói chung và di chỉ địa mạo nói riêng cùng với các di chỉ lịch sử - khảo cổ đã tạo nên các di sản thiên nhiên và di sản văn hóa được UNESCO công nhận, đã góp phần cho ngành kinh doanh du lịch Việt Nam phát triển, đặc biệt là du lịch biển - đảo. Trong đó, tỉnh Bình Thuận được xếp ở nhóm đầu về lĩnh vực du lịch biển - đảo.
Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, doanh thu của ngành trong khoảng 10 năm gần đây có sự tăng lên rõ rệt: năm 2008, khoảng 27.000 tỷ đồng, năm 2009, 69.000 tỷ đồng và năm 2010, 96.000 tỷ đồng, năm 2016, đạt 400.000 tỷ đồng, năm 2017, đạt 515.000 tỷ đồng và năm 2018, đạt 620.000 tỷ đồng, trong đó, du lịch biển - đảo chiếm 70%. Sở dĩ như vậy là vì, bờ biển và đảo Việt Nam có nhiều phong cảnh đẹp - các di chỉ địa học nói chung và di chỉ địa mạo nói riêng và số lượng các di chỉ này được du khách tới tham quan cũng ngày càng tăng lên.
Tuy vậy, theo PGS.TS. Vũ Văn Phái, số lượng du khách tới tham quan các di chỉ địa học tăng lên sẽ gây ảnh hưởng bất lợi không nhỏ cho công tác bảo tồn các di chỉ này và có thể làm mất đi tính đa dạng địa học trên bờ biển và các đảo. Do đó, phát triển du lịch di sản nói chung và di sản địa học, cũng như đa dạng địa học và các di chỉ địa học nói riêng phải đi đôi với bảo tồn địa học thiên nhiên bao gồm bảo tồn cả các quá trình không sinh vật và sinh vật.
Du khách tham quan các di chỉ địa mạo Gành Đá Đĩa, Phú Yên |
Cần có chiến lược nghiên cứu và đào tạo chuyên sâu
ThS. Dương Tuấn Ngọc (Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam) cho biết: Một di chỉ địa học có thể được hình thành do tác nhân này, nhưng lại có thể bị biến đổi, thậm chí, bị phá hủy do tác nhân khác: tự nhiên hay do hoạt động của con người. Bởi vì, các di chỉ địa học này đều là các cảnh quan rất mong manh, rất dễ bị phá hủy dưới tác động của du khách trong điều kiện có nhiều hiện tượng thiên nhiên cực đoan (gió bão, sóng lớn, nước biển dâng…). Chẳng hạn, sự gãy đổ của hòn Phụ Tử ở Kiên Giang, sự dịch chuyển của hòn Trống Mái ở Sầm Sơn, Thanh Hóa.
Các di chỉ địa mạo trên bờ biển và các đảo gần bờ đã được sử dụng trong kinh doanh du lịch mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, cần có đánh giá mức độ ổn định và sức chịu tải của các di chỉ địa học, đặc biệt là các di chỉ đã được xếp hạng danh thắng ở cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh, như hòn Trống Mái ở Sầm Sơn, Thanh Hóa, gành Đá Đĩa ở Phú Yên, hoặc Di sản thiên nhiên và Địa chất - Địa mạo vịnh Hạ Long ở Quảng Ninh...
Trên cơ sở đó, đưa ra những quy định cụ thể về hình thức tham quan để đảm bảo bền vững cho các di chỉ địa học nói chung và di chỉ địa mạo nói riêng, bởi vì, hầu hết các tài nguyên địa mạo đều thuộc loại tài nguyên không tái tạo cần được bảo vệ.
“Hiện nay, nhu cầu du lịch địa học đang ngày càng tăng lên, do đó cần phải có chiến lược nghiên cứu và đào tạo về các lĩnh vực di chỉ địa học, di sản địa học và bảo tồn địa học nhằm phát triển du lịch địa học bền vững trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội đang đứng trước nhiều thách thức của biến đổi toàn cầu, trong đó, có biến đổi khí hậu”, ThS. Dương Tuấn Ngọc nhấn mạnh.
Di chỉ địa học là “những vị trí của địa quyển có tầm quan trọng để nhận thức về lịch sử Trái đất. Chúng được phân định về không gian và trên quan điểm khoa học, có sự khác biệt rõ rệt với xung quanh”. Trong số các di chỉ địa học, phong phú nhất là các di chỉ địa mạo. Việt Nam có đường bờ biển dài khoảng 3.500 km, bao trọn gần hết bờ phía tây Biển Đông và có gần 3.000 đảo lớn nhỏ gần bờ. Về các loại đất đá có nguồn gốc khác nhau lộ ra trên bờ biển và các đảo gần bờ, lại trải dài dọc theo chiều kinh tuyến với trên 15 độ vĩ tuyến và với địa hình bờ nằm cả trong vũng vịnh, lẫn bờ biển mở, nên tính đa dạng địa học rấ