Biển, Hải đảo

Hội thảo trực tuyến “Rác nhựa và Kinh tế tuần hoàn”

16:09, 16/09/2021
Nhằm chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế trong nỗ lực xây dựng kinh tế tuần hoàn, một trong những công cụ quan trọng để giảm thiểu rác nhựa đại dương. Vừa qua, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (VASI), Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS) và Viện Nghiên cứu Nước Nauy (NIVA) đã tổ chức Hội thảo trực tuyến “Rác nhựa và Kinh tế tuần hoàn”.  
 

Trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, khẳng định quyết tâm, nỗ lực của Việt Nam trong cuộc chiến giảm thiểu rác nhựa như: trình Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường 2020, trong đó luật hóa các nội dung liên quan đến nhựa như quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn về nhựa; ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 đã làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội và làm chậm nỗ lực giảm thiểu rác nhựa ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Phát triển kinh tế tuần hoàn là một xu hướng của phát triển bền vững, giúp đạt được cả 2 mục tiêu, ứng phó với sự cạn kiệt của tài nguyên đầu vào và tình trạng ô nhiễm môi trường trong phát triển ở đầu ra. Kinh tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

Tại Hội nghị nhiều ý kiến cho rằng chúng ta phải quản lý nhựa theo chuỗi giá trị của nhựa, bắt đầu từ khâu thiết kế sản xuất và kiểm soát nguyên liệu đầu vào, đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường trong giai đoạn sản xuất, thương mại và tiêu thụ, và thúc đẩy 3R+. Một số vấn đề đặt ra cần quan tâm trong thời gian tới khi cụ thể hóa Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và sửa đổi các văn bản pháp luật về thuế bảo vệ môi trường, như: Thúc đẩy nghiên cứu quy định sản xuất nhựa và các sản phẩm từ nhựa thân thiện môi trường và các vật liệu thay thế ; Hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, vật liệu đóng gói; không cung cấp miễn phí các đồ dùng một lần trong khách sạn, nhà hàng, cửa hàng mua sắm thông qua các công cụ kinh tế; cụ thể hóa việc các hộ gia đình ở thành thị phải mua các túi đựng rác đúng quy cách, tiến hành phân loại rác; nâng cao vai trò của chính quyền địa phương, đặc biệt là UBND cấp xã, thanh tra môi trường, cảnh sát môi trường trong phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm quy định về quản lý chất thải rắn thông thường,…

Đối với lộ trình kinh tế tuần hoàn trong ngành nhưa, cần xây dựng các mục tiêu, kết quả mong muốn và các bước chính hay các giai đoạn cần đạt được mục tiêu. Bên cạnh đó, việc thống nhất các đối tác tham gia trong chuỗi giá trị nhựa cùng phối hợp trong thiết kế, sử dụng và tái sử dụng nhựa. Từ đó, chúng ta mới có thể cùng giảm rác nhựa vào môi trường và tạo kinh tế tuần hoàn cho ngành nhựa. Lộ trình cũng cần xác định các cơ hội thông qua chuỗi cung cấp làm sao có thể giảm rác nhựa và chất liệu tạo ra nhựa được tái sử dụng, tái chế. Ngoài ra, phát triển công nghệ mới, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ và ngành công nghiệp hỗ trợ trên cơ cở tiếp cận các mô hình kinh doanh kinh tế tuần hoàn.
Qua Hội nghị cũng đã thống nhất một số vấn đề thúc đẩy việc quản lý chất thải và tái chế rác nhựa tại Việt Nam. Góp phần vào công tác bảo vệ đại dương xanh, sạch và đẹp.

Thực hiện: Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường.