Cơn bão Supercell ở Colorado, Mỹ. Ảnh: WMO |
Ba Thỏa thuận có tác động nhất
Ba Thỏa thuận đó là cắt giảm dần than đá, tăng gấp đôi hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu và thỏa thuận khác về khí mê tan, than và rừng.
Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với UN News, bà Martina Donlon thừa nhận rằng, sau hai tuần đàm phán khó khăn, Hội nghị COP26 đã đạt được một số kết quả nhưng chưa đủ, đặc biệt là đối với các quốc đảo nhỏ và các nước dễ bị tổn thương khác. Tuy vậy, hội nghị đã cho thấy một số bước tiến tích cực.
Theo bà Martina, với sự nhất trí của các nhà đàm phán tại COP26 về việc bắt đầu loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, ô tô điện sẽ được sử dụng phổ biến hơn, có chi phí hợp lý hơn và ngày càng chạy bằng năng lượng gió và mặt trời.
Cắt giảm dần than đá
Bà Donlon chỉ ra rằng, khi kết thúc Hội nghị, các nước đã nhất trí tăng cường hành động trong “thập kỷ quyết định này” để cắt giảm một nửa lượng khí thải toàn cầu, nhằm đạt được mục tiêu nhiệt độ 1,5 độ C như đã nêu trong Thỏa thuận Paris 2015 mang tính bước ngoặt.
Hiệp ước Khí hậu Glasgow cũng kêu gọi 197 quốc gia đưa ra các kế hoạch hành động quốc gia mạnh mẽ hơn cho các hành động khí hậu ngày càng tham vọng tại COP27 vào năm tới - thay đổi thời hạn từ năm 2025 được đề ra trong mốc thời gian ban đầu - dự kiến sẽ diễn ra ở Ai Cập.
Hơn nữa, bà Donlon cho rằng, Hiệp ước Khí hậu Glasgow yêu cầu cắt giảm dần than đá và ngừng trợ cấp nhiên liệu hóa thạch, 2 vấn đề chính chưa từng được đề cập rõ ràng trong một quyết định tại các cuộc đàm phán về khí hậu trước đây - mặc dù than, dầu và khí đốt có tác động lớn đối với sự nóng lên toàn cầu.
Theo quan chức Liên Hợp Quốc, Glasgow báo hiệu một sự chuyển dịch nhanh chóng khỏi nhiên liệu hóa thạch và hướng tới năng lượng tái tạo.
Tăng gấp đôi hỗ trợ tài chính
Kết quả có tác động lớn thứ hai của Hiệp ước Khí hậu Glasgow là kêu gọi tăng gấp đôi tài chính để hỗ trợ các nước đang phát triển thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu.
Bà Donlon nhấn mạnh: “Mặc dù, điều này sẽ không cung cấp tất cả các nguồn vốn cần thiết cho các nước nghèo hơn, nhưng thực tế các nước phát triển đã đồng ý tăng gấp đôi quỹ chung để thích ứng là một tiến triển mới”.
Theo bà Donlon, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đã và đang thúc đẩy tăng cường tài chính để bảo vệ cuộc sống và sinh kế, đồng thời điều này sẽ mang lại lợi ích cho các quốc gia kém phát triển nhất và các quốc đảo nhỏ.
Thỏa thuận về mê tan, than và rừng
Quan chức Liên Hợp Quốc cho biết, còn có một loạt các thỏa thuận và thông báo khác, chẳng hạn như về khí mê tan, than, rừng và giao thông bền vững, tất cả đều có thể có những tác động rất tích cực nếu được thực hiện. Tuy nhiên, hầu hết trong số này là cam kết tự nguyện nên không có gì đảm bảo các Chính phủ, nhà đầu tư và tập đoàn sẽ thực hiện.
Đốt nhiên liệu hóa thạch thải ra một số chất ô nhiễm không khí có hại cho môi trường và sức khỏe cộng đồng. Ảnh: Unsplash/Patrick Federi |
Bà Donlon khẳng định, mặc dù, không có khả năng có tác động tức thì đến cuộc sống hàng ngày của chúng ta, nhưng các quyết định được đưa ra tại COP26 sẽ ảnh hưởng đến các hành động của Chính phủ trong một loạt các biện pháp và cuối cùng sẽ chuyển thành những khác biệt đáng chú ý trong cuộc sống của người dân.
COP26 cũng gửi tín hiệu đến các thị trường rằng không còn chấp nhận đầu tư vào các lĩnh vực gây ô nhiễm nặng. Vì vậy, những thay đổi này sẽ có tác động đến cuộc sống của chúng ta và có thể sớm hơn chúng ta nghĩ.
Hiệu ứng gợn sóng của Glasgow
Quan chức Liên Hợp Quốc cho rằng, việc loại bỏ than đá sẽ giúp người dân ở các thành phố bị ô nhiễm nặng sống trong bầu không khí trong sạch hơn và ít bệnh về đường hô hấp hơn.
Hơn nữa, sự gia tăng tài chính để bảo vệ cuộc sống và sinh kế sẽ cho phép các đảo nhỏ xây dựng các hệ thống cảnh báo sớm về lũ và bão. Đồng thời, những người nông dân sẽ có những cây trồng và hạt giống với sức sống bền bỉ hơn để bảo vệ an ninh lương thực.
“Các quyết định được đưa ra ở cấp độ toàn cầu cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người”, bà Donlon nhấn mạnh.
Theo Báo TNMT