|
Hội nghị COP26 thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow. Ảnh: Reuters |
Theo Hiệp ước, các nước khẳng định lại mục tiêu hạn chế nhiệt độ trung bình trên toàn cầu tăng đến 2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp và nỗ lực để đạt mục tiêu tăng ở mức 1,5 độ C nhằm tránh những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.
Mục tiêu được 197 quốc gia thông qua đòi hỏi phải cắt giảm đáng kể lượng khí thải CO2 một cách nhanh chóng và bền vững, bao gồm giảm 45% lượng phát thải CO2 vào năm 2030 so với mức năm 2010 và giảm về mức 0 vào khoảng năm 2050, đồng thời giảm mạnh phát thải các khí nhà kính khác.
Một nội dung quan trọng trong Hiệp ước là kêu gọi giảm dần điện than không sử dụng công nghệ thu giữ carbon và trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả, cũng như nhấn mạnh sự cần thiết phải hỗ trợ để hướng tới một quá trình chuyển đổi công bằng. Đây được xem là chiến thắng lớn bởi lần đầu tiên có một thỏa thuận của Hội nghị thượng đỉnh khí hậu Liên Hợp Quốc đề cập đến nhiên liệu hóa thạch.
Theo thỏa thuận, các quốc gia vào cuối năm 2022 phải xem xét lại và củng cố các mục tiêu cắt giảm khí thải năm 2030, có tính đến các hoàn cảnh quốc gia khác nhau, để thực hiện mục tiêu hạn chế nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C hoặc 1,5 độ C theo Hiệp định Paris. Đây là một bước tiến bởi các thỏa thuận khí hậu trước đây của Liên Hợp Quốc yêu cầu các quốc gia đệ trình các kế hoạch này, còn gọi là đóng góp quốc gia tự quyết (NDC) 5 năm một lần.
|
Hội nghị COP26 bế mạc tại Glasgow (Anh) vào ngày 13/11. Ảnh: UN News |
Chủ tịch COP26 Alok Sharma đánh giá, thỏa thuận khí hậu toàn cầu mới đã đặt trọng tâm chưa từng có vào tổn thất và thiệt hại theo nguyên tắc các quốc gia giàu có, vốn chịu trách nhiệm chính về sự nóng lên toàn cầu, nên bồi thường cho những nước nghèo bị ảnh hưởng.
Hiệp ước nhấn mạnh sự cần thiết phải huy động tài trợ khí hậu từ mọi nguồn để đạt mức cần thiết nhằm hiện thực hóa các mục tiêu của Hiệp định Paris, bao gồm việc tăng đáng kể hỗ trợ cho các nước đang phát triển, vượt quá 100 tỷ USD mỗi năm. Đồng thời, Hiệp ước thúc giục các quốc gia phát triển nhanh chóng hoàn thành mục tiêu 100 tỷ USD đã cam kết cũng như mục tiêu đến năm 2025, cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng của tính minh bạch trong việc thực hiện cam kết của các quốc gia này.
Mặc dù các quốc gia phát triển chịu trách nhiệm chính đối với khí thải nhà kính, nhưng các nước đang phát triển lại phải hứng chịu những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu. Do đó, Hiệp ước đã đề cập đến tổn thất và thiệt hại - vấn đề quan trọng đối với các nước đang phát triển và kêu gọi các quốc gia phát triển và các tổ chức khác hỗ trợ nhiều hơn cho các nước dễ bị tổn thương để ứng phó với những tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, đồng thời giải quyết những thiệt hại do các hiện tượng thời tiết cực đoan và nước biển dâng.
Hiệp ước thúc giục các quốc gia phát triển đến năm 2025 tăng ít nhất gấp đôi tài trợ thích ứng với biến đổi khí hậu cho các nước đang phát triển so với mức năm 2019.
Hiệp ước cũng nhấn mạnh cần mở rộng quy mô hành động và hỗ trợ, bao gồm tài trợ, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực, để thực hiện các phương pháp tiếp cận nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và giải quyết tổn thất và thiệt hại liên quan đến các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển.
Trước khi Hiệp ước khí hậu Glasgow được thông qua, Hội nghị COP26 tại Glasgow (Anh) đã phải kéo dài thêm 1 ngày để các nhà đàm phán đến từ 197 quốc gia có thêm thời gian đi tới một thỏa thuận.
Theo Báo TNMT