Biến đổi khí hậu

Chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp thúc đẩy Net zero tại Việt Nam

14:27, 12/11/2021
Chiều 10/11, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (KHKTTV&BĐKH); Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) phối hợp tổ chức Hội thảo “Chia sẻ về cam kết Net zero của các quốc gia tại COP26 và đề xuất giải pháp thúc đẩy Net zero trong thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính và phát triển bền vững ở Việt Nam”.

Hội thảo là cơ hội để các đại biểu chia sẻ thông tin về kết quả của Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo thế giới COP 26 và đưa ra các giải pháp tăng cường thúc đẩy các hành động hướng tới mục tiêu Net zero (phát thải ròng bằng “0” - không thêm vào tổng lượng khí nhà kính thải ra khí quyển).
 

1

Hơn 100 đại biểu cùng tham gia thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo

Chia sẻ với Hội thảo từ đầu cầu Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh, PGS.TS Huỳnh Thị Lan Hương, Phó Viện trưởng Viện KHKTTV&BĐKH cho biết, tại Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo thế giới COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát biểu, mặc dù là nước đang phát triển mới chỉ bắt đầu tiến trình công nghiệp hóa trong hơn ba thập kỷ qua, Việt Nam là một nước có lợi thế về năng lượng tái tạo, sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó, có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt Net zero vào năm 2050.

Cũng tại COP 26, Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ về việc cắt giảm 30% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030, đồng thời, cùng hơn 100 nhà lãnh đạo cam kết ngăn chặn và đảo ngược tình trạng mất rừng, suy thoái đất vào năm 2030. 

q

Ảnh minh hoạ

Những cam kết của Việt Nam được thế giới đánh giá rất cao. Tuy nhiên, để đạt được những cam kết này, Việt Nam cần xây dựng những chiến lược, kế hoạch hành động chi tiết và đưa ra được lộ trình cụ thể. Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng, những nỗ lực vận động của mạng lưới để đưa Net zero thành mục tiêu trong các Chiến lược tăng trưởng xanh, Chiến lược Quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu là một hướng tiếp cận đúng đắn.

Đồng tình với phát biểu trên, bà Phạm Cẩm Nhung, Đại diện WWF tại Việt Nam cho biết thêm, để đạt được mục tiêu giảm lượng phát thải và Net zero, ngoài quyết tâm về mặt chính trị và các chính sách chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc của các thành phần kinh tế, xã hội ở các cấp, các địa phương khác nhau để thúc đẩy quá trình thực hiện các mục tiêu này là cần thiết.

Chính vì vậy, thời gian qua, Liên minh Hành động vì khí hậu Việt Nam (VCCA) đã và đang hành động quyết liệt vì mục tiêu chung, đồng thời, kêu gọi sự vào cuộc, cùng tham gia của nhiều thành phần kinh tế, địa phương nhằm triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy quá trình thực hiện cam kết Net zero của Việt Nam.

Cũng tại Hội thảo, hơn 100 đại biểu đến từ nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương, đã nghe và cùng thảo luận về các chủ đề khác nhau như: Ứng phó với biến đổi khí hậu - Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam trong giai đoạn tới; những vấn đề mới về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tại Hội nghị COP26; con đường nhanh nhất đạt đích “Net zero”; thúc đẩy các hành động hướng tới Net zero qua Chiến lược tăng trưởng xanh và Đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam đến năm 2050; mô hình, bài học và kinh nghiệm thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tại các địa phương…

Những chia sẻ này góp phần tìm ra giải pháp thúc đẩy Net zero trong thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính và phát triển bền vững ở Việt Nam.

Theo Báo TNMT