Biến đổi khí hậu

Những con số quan trọng ứng phó biến đổi khí hậu

08:36, 27/05/2021
Hành động để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu đã trở thành vấn đề trọng tâm trong sự kiện hồi đầu tháng này của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) với chủ đề “Nâng cao Tham vọng Khí hậu - Con đường tới COP26”.  Theo ADB, trong bối cảnh thế giới đang tiến dần tới Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của LHQ (COP26) vào tháng 11/2021, các con số quan trọng liên quan đến biến đổi khí hậu được chia sẻ và thảo luận tại sự kiện trên sẽ có ý nghĩa lớn đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

 

Giảm phát thải khí nhà kính là một biện pháp quan trọng trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu theo Thỏa thuận Paris

Cam kết tài trợ 100 tỷ USD

Ông Sri Mulyani Indrawati, Bộ trưởng Bộ Tài chính Indonesia cho rằng, COP26 là cần nhấn mạnh vai trò của tài chính khí hậu, đặc biệt trong việc các nước phát triển thực hiện cam kết tài trợ cho các hành động khí hậu trị giá 100 tỷ USD/năm vào năm 2020, cũng như công bố mục tiêu mới sau năm 2020 từ mức 100 tỷ USD.

140 tỷ - 300 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030

Theo dự kiến, các ước tính toàn cầu về khoản tài trợ cho các hành động thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ ở mức từ 140 tỷ - 300 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030 và có thể tăng lên từ 280 tỷ - 500 tỷ USD mỗi năm vào năm 2050. Thực tế, việc đạt được mục tiêu toàn cầu về thích ứng với biến đổi khí hậu theo Thỏa thuận Paris liên quan đến tốc độ đạt được mục tiêu trung hòa carbon toàn cầu một cách nhanh chóng.

Nhu cầu than tăng hơn 80%

Theo các phân tích gần đây, khi nhu cầu về than, dầu và khí đốt tăng trở lại sau khi sụt giảm do các lệnh phong tỏa và hạn chế vì đại dịch Covid-19, lượng khí thải CO2 liên quan đến năng lượng toàn cầu sẽ tăng gần 5% trong năm 2021. Ước tính cho thấy, nhu cầu về than gia tăng hơn 80% sẽ đến từ châu Á. Chủ tịch ADB Masatsugu Asakawa cho biết, nếu không khử carbon trong các hệ thống năng lượng hiện nay, sẽ rất khó đạt được mục tiêu của Thỏa thuận Paris.

75% hoạt động của ADB hỗ trợ hành động khí hậu

Ông Masatsugu nhấn mạnh: “Điều quan trọng nhất là ADB sẽ giữ vững các mục tiêu tài chính khí hậu đầy tham vọng. Cụ thể, đến năm 2030, 75% tổng số hoạt động của ADB sẽ hỗ trợ cho các hành động khí hậu để thích ứng hoặc giảm nhẹ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và các khoản tài trợ khí hậu từ nguồn lực riêng của ADB sẽ lên đến 80 tỷ USD vào năm 2030”.

1,5 độ C

Ông Alok Sharma, Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của LHQ (COP26) khẳng định: “Thời hạn để đạt được mục tiêu 1,5 độ C của Thoả thuận Paris chỉ còn chưa đầy một thập kỷ. Để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi chúng ta phải giảm 50% lượng khí thải vào năm 2030. Vì vậy, COP 26 phải là thời điểm chúng ta đưa thế giới đi đúng hướng để biến các mục tiêu của Thỏa thuận Paris thành hiện thực và duy trì hạn chế sự gia tăng nhiệt độ ở mức 1,5 độ C”.

Để làm được như vậy, nhiệm kỳ Chủ tịch COP của Vương quốc Anh cần đạt được 4 mục tiêu. Thứ nhất, đưa thế giới vào con đường không phát thải ròng vào giữa thế kỷ này với các mục tiêu giảm phát thải quốc gia đầy tham vọng vào năm 2030. Thứ hai, tăng cường thích ứng với biến đổi khí hậu. Thứ ba, kêu gọi nguồn tài chính đầu tư cho các hành động khí hậu và cuối cùng là phải cùng nhau tăng cường hợp tác quốc tế về các vấn đề quan trọng như năng lượng sạch và tự nhiên.

55% GDP toàn cầu

Tại hội nghị, lãnh đạo các quốc gia chiếm 55% GDP toàn cầu đã cùng nhất trí sẽ hướng đến mục tiêu trung hoà carbon nhằm hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở con số 1,5 độ C. Động thái trên cho thấy, 55% nền kinh tế thế giới đã thông qua việc triển khai các biện pháp cần thiết hiện nay để đạt mục tiêu 1,5 độ C. Mục tiêu này rất cấp bách, do đó cần chung tay triển khai các công việc cần thiết để đạt được mục tiêu trên.

Nguồn Báo TNMT