Biến đổi khí hậu

Tăng cường năng lực thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu

15:49, 15/04/2021

Ngày 14/4, tại Hà Nội đã diễn ra Cuộc họp lần thứ hai Ban Chỉ đạo Dự án Hỗ trợ Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris (VN-SIPA). Thứ trưởng Lê Công Thành - Trưởng Ban Chỉ đạo dự án và ông Weert Börner, Phó Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam đã chủ trì cuộc họp.

 

1 267

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành - Trưởng Ban Chỉ đạo dự án VN-SIPA phát biểu tại cuộc họp

Dự án VN-SIPA đặt mục tiêu tăng cường khung pháp lý và năng lực quốc gia để hỗ trợ triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, trọng tâm là thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, các đối tác phát triển quốc tế rất quan tâm đến VN-SIPA do Dự án còn đóng vai trò là đầu mối thông tin về BĐKH tại Việt Nam. Thành công của Dự án sẽ góp phần hỗ trợ Việt Nam thực hiện NDC và Thỏa thuận Paris.

Năm 2020, do ảnh hưởng chung của đại dịch COVID-19 toàn cầu, nhiều hoạt động của Dự án đã không thể triển khai hoặc triển khai chậm. Tuy vậy, Dự án cũng đạt được những thành tựu đáng khích lệ, đóng góp quan trọng vào việc Việt Nam hoàn thành NDC cập nhật và nộp cho Ban Thư ký Công ước khung của Liên Hợp Quốc về BĐKH (UNFCCC) vào tháng 9/2020. Kết quả này đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao vì Việt Nam là một trong 20 quốc gia đầu tiên nộp bản NDC cập nhật.

3

Ông Weert Börner, Phó Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam phát biểu tại cuộc họp

Dự án cũng hỗ trợ xây dựng Chương ứng phó với biến đổi khí hậu trong Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020, làm cơ sở để tiếp tục xây dựng các hành lang pháp lý về ứng phó với BĐKH cho Việt Nam. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng các văn bản quản lý BĐKH, các kế hoạch ngành về ứng phó với BĐKH như: Thông tư quy định quản lý nhiên liệu và phát thải khí nhà kính trong ngành hàng không; Kế hoạch hành động Ứng phó với biến đổi khí hậu của Bộ NN&PTNNT, Cập nhật Kế hoạch thực hiện NDC cho ngành xây dựng, xây dựng đề xuất Hành động giảm nhẹ phù hợp điều kiện quốc gia (NAMA) trong lĩnh vực xây dựng và đã được trình Ban Thư ký NAMA Facility.

Bên cạnh đó, dự án đã giúp xác định giải pháp thích ứng dựa vào hệ sinh thái tại các tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh.

Ông Weert Börner, Phó Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam ghi nhận các kết quả này và đánh giá cao hiệu quả hợp tác của các Bộ, ngành, địa phương phía Việt Nam, đặc biệt là Bộ TN&MT với vai trò điều phối. Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên và An toàn Hạt nhân Liên bang Đức (BMU) đã tham gia rất tích cực để đáp ứng các nhu cầu mới và đồng hành chặt chẽ với việc thực hiện dự án.

3

Đại diện Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức và cố vấn quốc tế của dự án

Dự án đã cung cấp cho Việt Nam nền tảng vững chắc cho một chính sách khí hậu trung và dài hạn đầy tham vọng, hướng tới giảm thiểu phát thải khí nhà kính, thích ứng biến đổi khí hậu kèm theo các lợi ích về xã hội và môi trường. Về mặt lập kế hoạch thực hiện, điều cốt yếu là các hoạt động NDC ở tất cả các cấp phải được phản ánh trong ngân sách cấp tỉnh và quốc gia. Đây sẽ là một trọng tâm trong các hoạt động của dự án SIPA vào năm 2021.

Chia sẻ về hoạt động tại Quảng Bình, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Bình Đoàn Ngọc Lâm cho biết, Dự án VN-SIPA đã hỗ trợ tỉnh xây dựng một số mô hình thích ứng BĐKH về trồng rừng, nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi đại gia súc. Thông qua đó, giúp chuyển đổi nhận thức của cộng đồng và nâng cao năng lực cho các tổ chức đánh giá tác động môi trường trong ứng phó BĐKH. Thời gian tới, dự án sẽ hỗ trợ tỉnh tích hợp kế hoạch, chương trình thích ứng BĐKH giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, chú trọng các giải pháp thích ứng dựa vào hệ sinh thái như xây dựng khu dự trữ nước, mô hình thoát nước bền vững cho thành phố, tạo mảng xanh cho tòa nhà, mô hình vườn trên mái….

4

Các đại biểu tham dự cuộc họp

Tại cuộc họp, các đại biểu đã cùng thảo luận, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án trong năm 2020. Đồng thời, đề xuất các biện pháp thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án, đảm bảo đạt được mục tiêu của dự án. Dự kiến Kế hoạch năm 2021, Dự án tập trung vào các hoạt động tăng cường khung pháp lý thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH và lồng ghép NDC vào chiến lược ngành của các Bộ; xây dựng hướng dẫn kỹ thuật cấp ngành và các hành động giảm nhẹ/NAMA…

Theo Monre.gov.vn