Từ ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH), hạn hán, xâm nhập mặn, trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng BĐKH, ngành nông nghiệp trong vùng đã dần thích ứng và chuyển đổi sản xuất, tạo nên những giá trị cao hơn, đặc biệt trong lĩnh vực trồng trọt.
|
Nhiều hộ trồng năn ở ĐBSCL đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. - Ảnh: VGP/Hoàng Giám |
Các kịch bản ứng phó hạn mặn
Theo Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), tổng lượng dòng chảy trong những tháng mùa khô 2020-2021 từ thượng nguồn sông Mekong về ĐBSCL ở mức thiếu hụt từ 20-35% so với trung bình nhiều năm. Tình trạng thiếu nước, xâm nhập mặn sẽ diễn ra sớm và gay gắt trong mùa khô 2020-2021.
Xâm nhập mặn vùng ĐBSCL mùa khô năm 2020-2021 tuy được dự báo ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như mùa khô năm 2019-2020 do xuất hiện vài đợt mưa trái mùa.
Theo thống kê của Cục Trồng trọt, nhiều diện tích chuyển đổi trên đất lúa năm 2019 mang lại hiệu quả cao, đang tiếp tục phát huy trong năm 2020 và năm nay. Điển hình như lợi nhuận tăng thêm của cây hàng năm lên đến hơn 99 triệu đồng/ha, diện tích chuyển đổi thủy sản cũng cho lợi nhận tăng thêm trung bình hơn 13 triệu đồng/ha. Đặc biệt với diện tích cây trồng lâu năm đã cho lợi nhuận tăng thêm lên gần 390 triệu đồng/ha.
Tuy nhiên một kịch bản khác cũng được nêu ra, là mực nước trên sông và các kênh rạch ở mức thấp do thiếu hụt nguồn nước, nguy cơ cao xảy ra sạt lở bờ sông và các kênh rạch trong thời gian này, đặc biệt là trên các sông chính. Trường hợp cực đoan, mưa trái mùa xảy ra ít, kết hợp với việc sử dụng, khai thác tài nguyên nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập vùng thượng nguồn gia tăng, tình trạng hạn hán và thiếu nước, xâm nhập mặn ở ĐBSCL sẽ diễn ra tương tự mùa khô năm 2019-2020 và có thể còn gay gắt hơn.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), người tham gia chỉ đạo công tác trồng trọt tại phía Nam cho hay, ngành trồng trọt đã chủ động nhiều biện pháp phi công trình để ứng phó tình trạng này.
Cụ thể, đối với cây lúa đã đẩy nhanh tiến độ xuống giống sớm để khi xâm nhập mặn vào nội đồng thì lúa đã được thu hoạch xong. Tại những nơi có thể ảnh hưởng do hạn mặn như các huyện Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc (tỉnh Long An) đến nay đã thu hoạch xong. Tại Tiền Giang các huyện Tân Phước, Châu Thành, Gò Công Đông, Gò Công Tây đang thu hoạch, đầu tháng 3 sẽ thu hoạch hết và tránh được xâm nhập mặn. Các huyện Ba Tri, Giồng Trôm, Thạnh Phú của Bến Tre đã thu hoạch xong. Tới đầu tháng 3, tại tỉnh Kiên Giang các huyện U Minh Thượng, Vĩnh Thuận và An Biên đã thu hoạch được 70% diện tích; Sóc Trăng đã thu hoạch 50% diện tích, 25% diện tích đang ở giai đoạn chín sẽ thu hoạch trước khi hạn gay gắt…
Cơ cấu giống cũng được lựa chọn giống lúa theo vùng sản xuất. Trong đó, vùng cách biển 20 - 30 km ưu tiên sử dụng giống lúa chịu mặn; thơm và ngắn ngày (thời gian sinh trưởng 90 ngày). Vùng cách biển 30 - 70 km, ưu tiên sử dụng giống lúa chất lượng cao; có thời gian sinh trưởng 90 ngày đến 105 ngày. Vùng thượng nguồn, ưu tiên sử dụng giống lúa thơm, cao sản chất lượng cao; một số ít giống lúa chất lượng trung bình, có thời gian sinh trưởng 90 ngày đến 105 ngày...
Cùng với đó, chính người dân cũng đã chủ động thích ứng chuyển đổi cây trồng. Vụ Đông Xuân 2019 – 2020, giá lúa thấp, người dân chủ động chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây ăn trái như các huyện Trà Ôn, Tam Bình, Vũng Liêm (Vĩnh Long) và trồng rau màu ngắn ngày hơn. Việc chuyển đổi trên đất lúa được xác định rõ khi những vùng không đủ nước tưới cho cây lúa, nhưng vẫn đảm bảo cho rau màu ngắn ngày, hoặc khai thác được nguồn nước bổ sung như nước ngầm, nước tận dụng hồ, đập, sông suối…
Cục Trồng trọt đánh giá, cây trồng chuyển đổi hiệu quả chủ yếu là cây ngắn ngày (ngô, lạc, đậu tương, vừng, rau đậu các loại,..) và cây ăn quả (cam, bưởi, xoài, thanh long,…). Ngoài ra, có một số diện tích chuyển đổi nuôi trồng thủy sản. Một số diện tích chuyển đổi sang cây ăn quả như cam, bưởi, quýt, nhãn, xoài, thanh long, sầu riêng,… đang có xu hướng tăng mạnh do hiệu quả kinh tế cao, nhưng chưa được thống kê đầy đủ trong diện tích cây trồng chuyển đổi.
Lợi nhuận tăng thêm hàng trăm triệu đồng/ha
Một tín hiệu đáng mừng khác trong nông nghiệp ĐBSCL thời gian qua là về giống, khi nhiều giống lúa chống được hạn mặn cũng đã phát triển. Đối với 03 đối tượng giống chính của vùng (lúa gạo, trái cây, thủy sản), Bộ NN&PNT đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, xác định được bộ giống tốt nhất cho 3 ngành hàng chủ lực này; đến năm 2030, làm chủ nguồn giống trong nước có chất lượng, năng suất, hiệu quả thích ứng với BĐKH.
Theo tổng hợp của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ, việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế đạt được một số kết quả tích cực, nhất là trong nông nghiệp đã khẳng định chủ trương đúng đắn "thuận thiên", chúng ta chủ động thích ứng với tác động của BĐKH, sống chung và coi lũ, nước mặn, nước lợ là tài nguyên để phát triển kinh tế với phân vùng hợp lý trên cơ sở phân bổ tài nguyên nước của toàn vùng.
Hiệu quả của việc phân vùng, chuyển đổi sản xuất theo phương châm "thuận thiên" đã được chứng minh qua đợt hạn mặn kỷ lục 2019-2020 vừa qua, qua đó chuyển hóa được thách thức thành cơ hội cho phát triển, giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất, kinh doanh. Ví dụ như, thiệt hại về riêng diện tích lúa đợt hạn mặn vừa qua chỉ bằng khoảng 10% so với đợt hạn mặn năm 2015-2016.
Vượt qua những khó khăn do dịch bệnh, năm 2020 nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã đạt được những kết quả khả quan trong xuất khẩu, trong đó các sản phẩm lúa gạo, nông sản, thủy sản đã trở thành một trong những ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt mức tỷ USD. Riêng tỉnh An Giang, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt 928,150 triệu USD, tăng 4,29% so với năm 2019, riêng với gạo, thu về 270 triệu USD, tăng 18,6% so với 2019.
Nhiều mô hình kinh tế phù hợp với tự nhiên, ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với BĐKH được các địa phương triển khai, phát triển, điển hình như mô hình nuôi tôm bền vững; chọn tạo, phát triển các giống cây trồng, vật nuôi và giống thủy sản có tiềm năng, lợi thế của vùng... Những phát minh mới phục vụ cho sản xuất như phao quan trắc để kiểm soát độ mặn của nước… được ứng dụng rộng rãi.
Bộ trưởng Bộ NN&PT Nguyễn Xuân Cường nhận định, nếu trước kia chúng ta xác định các sản phẩm trụ cột của ĐBSCL gồm "lúa gạo, thủy sản, trái cây" thì qua định dạng vừa qua để thích ứng với BĐKH, chúng ta phải khai thác thế mạnh theo ưu tiên "thủy sản, trái cây, lúa gạo". Rõ ràng, những kết quả bước đầu cho thấy cách tiếp cận mà chúng ta đang đi là đúng hướng để đảm bảo được 2 nguyên tắc của tái cơ cấu đó là: Nhìn vào thị trường thế giới và nhìn vào sự thích ứng với BĐKH để lựa chọn đối tượng.
Việc chuyển đổi các diện tích lúa bị hạn mặn tại ĐBSCL tuy chưa được đồng đều nhưng với hiệu quả chuyển đổi trong những năm qua, chắc chắn xu hướng chuyển đổi để nâng cao giá trị sẽ ngày càng mạnh mẽ và lan tỏa. Tuy nhiên, việc chuyển đổi cần phù hợp thổ nhưỡng và thị trường. Trong quá trình chuyển đổi của ĐBSCL, các bộ ngành liên quan cần luôn bám sát và có những kiến nghị để sản xuất không chạy theo phong trào, tránh tái diễn việc “giải cứu” nông lâm thủy sản.
Nguồn Báo Chinhphu.vn