Trong khuôn khổ hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam, Trung tâm Bảo tồn Động vật Hoang dã tại Việt Nam (SVW) đang triển khai dự án có tên “Bảo tồn động vật hoang dã bền vững”, trong đó chú trọng tới yếu tố “bền vững” và “thông minh” trong bảo tồn.
Cán bộ Kiểm lâm tuần tra bảo vệ rừng theo mô hình Anti-poaching trong dự án bảo tồn rừng bền vững do SVW triển khai. |
Để bắt 1 con thú người ta có thể giết hại cả nghìn con
Theo ông Nguyễn Văn Thái - Giám đốc SVW cho biết: “Khi chúng ta đi vào các cánh rừng, có một sự thật đáng buồn là tiếng chim và tiếng thú không còn nhiều. Nguyên nhân là do việc sử dụng và săn bắt động vật hoang dã đã diễn ra trong nhiều năm. Những năm gần đây, sự thay đổi trong phương pháp săn bắt đã đặt ra một bài toán mới cho nỗ lực bảo tồn. Các phương pháp này thậm chí còn gây nguy hại hơn đối với các quần thể động vật hoang dã”.
Trước đây, khi đi săn bắt động vật, người ta thường đặt bẫy và canh chừng, hoặc bắn trực tiếp động vật và đem về sử dụng. Tuy nhiên, gần đây, các phương pháp săn bắt mới được thực hiện. Người dân mang dây phanh xe đạp, dây cao su giá rẻ vào rừng làm bẫy thú. Có những khu rừng đã ghi nhận hàng nghìn bẫy dây được lắp đặt để bẫy động vật.
Người dân chỉ vào rừng kiểm tra các bẫy dây này khi có thời gian, bắt được con động vật nào, họ đem con động vật đó về. Vào những thời điểm bận rộn, như khi phải đi làm nương hay có công việc, người dân sẽ để mặc các bẫy đó trong rừng. Nhiều trường hợp các con động vật vô tình đi qua và mắc vào bẫy, không được tìm thấy sớm, chúng sẽ chết và thối rữa ngay tại đó. Điều này đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng, cản trở nỗ lực bảo tồn thiên nhiên.
“Từ thực trạng này, có thể thấy số lượng động vật hoang dã bị bắt đem đi tiêu thụ thực tế rất nhỏ. Số lượng những con chết trên các tuyến bẫy đó mới gây thiệt hại lớn đối với đa dạng sinh học. Chúng tôi nhận thấy, để đem 1 con thú ra tiêu thụ, người ta có thể đã giết tới 1.000 con khác. Việc chúng ta ăn và sử dụng động vật không chỉ gây thiệt hại tới 1 cá thể mà là mang đến sự chết chóc với rất nhiều cá thể khác”, ông Nguyễn Văn Thái nhấn mạnh.
Người dân làm nòng cốt trong bảo tồn
Để đảm bảo tính “bền vững” trong dự án bảo tồn, ông Nguyễn Văn Thái cho rằng: Điều đầu tiên cần lưu ý là triển khai các hoạt động dựa vào người dân. Tức là, cần vận động, thu hút cộng đồng địa phương trở thành lực lượng nòng cốt trong các hoạt động bảo vệ rừng, lấy cộng đồng làm gốc để thúc đẩy họ trực tiếp tham gia vào bảo tồn.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng không chỉ tháo gỡ các bẫy dây trong rừng, mà chúng ta cần tháo gỡ “cái gốc” của tình trạng mất đa dạng sinh học. Đó là do cộng đồng vẫn còn những người có nhu cầu sử dụng động vật hoang dã.
Do vậy, để đạt được tính bền vững, Trung tâm Bảo tồn Động vật Hoang dã tại Việt Nam cho rằng, cần tăng cường giáo dục cộng đồng, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của con người. Con người hiểu về vai trò và giá trị của thiên nhiên, con người mới dần thay đổi thói quen và từ bỏ việc sử dụng động vật hoang dã. Khi không còn nhu cầu sử dụng, tức là không còn người ăn, cũng sẽ không còn người săn bắt, từ đó tạo ra sự bền vững cho các loài động vật hoang dã trong rừng.
Và để đảm bảo yếu tố bền vững trong bảo tồn, không thể thiếu vấn đề tài chính. Do đó, điều quan trọng là cần nguồn vốn để duy trì các hoạt động. Đầu tiên, phải đảm bảo thu nhập cho người dân từng sống dựa vào rừng. Chỉ khi có sinh kế mới, họ mới bỏ hẳn nghề cũ để tập trung bảo vệ rừng. Ngoài ra, các nguồn tài chính cho nỗ lực bảo tồn cũng được cung cấp vào việc cải tiến trang thiết bị, hỗ trợ lực lượng kiểm lâm, các nhà bảo tồn triển khai các hoạt động.
Ứng dụng Smart (thông minh) trong hoạt động bảo tồn
Ứng dụng SMART hiện đang được triển khai tại khá nhiều Vườn quốc gia, khu bảo tồn như Vườn quốc gia Cát Tiên, Vườn quốc gia Pù Má. Những nơi đã chứng minh được hiệu quả trong việc ngăn chặn, kiểm soát hoạt động săn bắt, buôn bán, động vật hoang dã; giúp các quần thể động vật hoang dã trong rừng đã phát triển trở lại. Thông qua các thông tin minh bạch, các vườn quốc gia, khu bảo tồn có thể nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động tuần tra, bảo vệ rừng, kiểm soát hành vi săn bắt động vật hoang dã và từ đó có các biện pháp bảo tồn bền vững hơn.
Ứng dụng SMART thúc đẩy sự minh bạch, nghĩa là các lực lượng tuần tra bảo vệ rừng như kiểm lâm hoặc cán bộ bảo vệ đi đến đâu cũng có thể dễ dàng nắm bắt và thông tin đến nhau. Thứ hai, ứng dụng hỗ trợ thu thập các dữ liệu tuần tra bảo vệ, như thu được bao nhiêu cái bẫy, bắt được bao nhiêu người, bắt được bao nhiêu vụ vi phạm, các thông tin đó rất rõ ràng và cụ thể về các vị trí trên thực tế. Cuối cùng, ứng dụng này giúp đo đếm mức độ đa dạng sinh học, từ đó, các khu bảo tồn có thể đánh giá khách quan và chính xác hơn về các hoạt động bảo tồn của mình.
“Khi chúng ta đi, chúng ta gặp con gì, gặp cây gì, chúng ta có thể ghi nhận lại, qua đó phân tích, đánh giá được hoạt động săn bắt động vật hoang dã hay các quần thể đa dạng sinh học đang tăng lên hay giảm đi. Từ đó, góp phần đánh giá các hoạt động săn bắt động vật hoang dã và sự phục hồi của các quần thể động vật hoang dã trong rừng”, Giám đốc SVW kết luận.
Thực hiện: Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường
Ý kiến bạn đọc