Thông tin tại phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 mới đây cho thấy, đến nay, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Quy hoạch không gian biển quốc gia; ban hành Nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp, cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân và khung giá điện, cơ chế khuyến khích điện mặt trời mái nhà... nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch trong trung và dài hạn.
Thủ tướng Chính phủ khẳng định, bối cảnh tình hình hiện nay, càng khẳng định phát triển xanh là xu hướng tất yếu và việc thực hiện cam kết giảm phát thải cần có "Quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm", phân công "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm" để thực hiện nhiệm vụ thời gian tới hiệu quả cao hơn, kết hợp được sức mạnh dân tộc, sức mạnh thời đại, thực hiện nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính hướng tới phát thải ròng bằng "0", bảo vệ môi trường, phát triển nhanh và bền vững đất nước để vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Việc thực hiện mục tiêu cam kết của Việt Nam tại COP26 đòi hỏi phải hành động với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, huy động mọi nguồn lực, toàn xã hội, toàn dân vào cuộc, trong đó kết nối, vận động thu hút nguồn lực, kinh nghiệm và đẩy mạnh hợp tác quốc tế để vượt qua các khó khăn, thách thức.
Hiện nay, biến đổi khí hậu đã và đang tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao và an ninh. Với những mục tiêu cụ thể, Việt Nam hướng tới giảm phát thải khí nhà kính và đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Đây không chỉ là một nhiệm vụ bắt buộc trong phát triển bền vững mà còn là cơ hội thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng thân thiện với môi trường và nâng cao khả năng cạnh tranh. Điều này phù hợp với các yêu cầu của Thỏa thuận Paris và xu thế toàn cầu sau Hội nghị COP26.
Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ trong ứng phó với những thách thức to lớn do biến đổi khí hậu gây ra thông qua Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ban hành tại Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022. Chính phủ Việt Nam xác định ứng phó với biến đổi khí hậu là trách nhiệm của Nhà nước, đòi hỏi sự tham gia của toàn hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và người dân, trong đó Nhà nước đóng vai trò trung tâm dẫn dắt, kiến tạo và điều phối.
Việt Nam cam kết xây dựng một nền kinh tế xanh, tuần hoàn, đảm bảo an ninh tài nguyên nước, phát triển nông nghiệp bền vững; đồng thời, gia tăng khả năng chống chịu của các hệ sinh thái và xã hội trước những tác động tiêu cực của thiên tai và biến đổi khí hậu.
Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ tập trung vào việc giảm thiểu tình trạng suy thoái tài nguyên nước và đất, đảm bảo nguồn nước phục vụ các ngành kinh tế quan trọng, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu. Cùng với đó, độ che phủ rừng được duy trì ở mức ít nhất 42%, diện tích khu bảo tồn thiên nhiên trên cạn và biển sẽ tiếp tục được mở rộng.
Mục tiêu đến năm 2050 sẽ quản lý hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học và đảm bảo mọi người dân có quyền tiếp cận nước sạch, an toàn, cùng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe được thực hiện một cách toàn diện.
Chiến lược cũng đưa ra mục tiêu thúc đẩy phát triển cơ chế tài chính và thị trường carbon để khuyến khích chuyển dịch đầu tư vào các hoạt động kinh tế phát thải thấp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và cá nhân tham gia tích cực vào bảo vệ khí hậu, xây dựng đất nước Việt Nam phát triển bền vững và thịnh vượng trong tương lai.
Thực hiện: Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường
Ý kiến bạn đọc