Lĩnh vực chuyên ngành

Cập nhật Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ

16:53, 12/10/2024

Ngày 11/10/2024, Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và môi trường đã tổ chức cuộc họp, Hội đồng thẩm định các loài động, thực vật hoang dã đề nghị đưa vào hoặc ra khỏi Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ.

Toàn cảnh cuộc họp thẩm định
Toàn cảnh cuộc họp thẩm định

Theo ông Nguyễn Văn Tài, Cục trưởng Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh, Phó Chủ tịch hội đồng thẩm định: “Cuộc họp thẩm định đã cụ thể hóa nội dung Quyết định số 2889 của Bộ Tài nguyên và môi trường về việc, thành lập Hội đồng thẩm định các loài động vật hoang dã, thực vật hoang dã đề nghị đưa vào, đưa ra khỏi Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ”.

Hội đồng làm việc với 4 nhóm nội dung cần thẩm định gồm: Động vật hoang dã lớp thú, bò sát lưỡng cư, thuỷ sản và thực vật hoang dã. Trong đó, nhóm động vật hoang dã lớp thú, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật đã đề xuất đưa vào 3 loài gồm: Chó rừng; Cheo cheo Việt Nam và Mang Pù Hoạt. 3 loài được đề xuất đưa khỏi danh sách bao gồm: Chồn bay; Bò xám và Cá heo trắng Trung Hoa.

Hội đồng thẩm định với 2 nhóm Chim, đã thảo luận đề xuất đưa vào danh mục các loài: khướu đầu đen má xám, khướu Kon Ka Kinh và mi Langbiang với lý do số lượng quần thể các loài đang giảm và có nguy cơ bị săn bắt cao; đưa ra 4 loài: cổ rắn; cò trắng Trung Hoa; niệc nâu và khướu Ngọc Linh.

Ông Nguyễn Văn Tài, Cục trưởng Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học,
 phát biểu khai mạc cuộc họp
Ông Nguyễn Văn Tài, Cục trưởng Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học, phát biểu khai mạc cuộc họp

Với nhóm Bò sát, lưỡng cư, thuỷ sản, đề xuất đưa vào danh mục 3 loài cá đao răng nhọn do tình trạng buôn bán cao; trai tai tượng khổng lồ, là loài nguy cấp ở Việt Nam, hiếm gặp, ít quan sát được và trai tai nghé hiếm gặp, ước tính có chưa tới 500 cá thể.

Nhóm cuối cùng, nhóm thực vật hoang dã quý hiếm, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật đề xuất đưa ra 2 loài sâm vũ diệp và sâm Ngọc Linh tự nhiên. Với trường hợp sâm Ngọc Linh tự nhiên, các chuyên gia cho rằng việc đưa sâm Ngọc Linh khỏi danh mục để tạo điều kiện cho việc nhân sống, trồng và phát triển.

Tuy nhiên, theo ý kiến các chuyên gia hội đồng thẩm định, việc bảo tồn thực vật khác với động vật. Sâm Ngọc Linh vẫn là loài thực vật thuộc nhóm nguy cấp của Việt Nam và thế giới. Do đó, nếu đưa khỏi danh mục để phục vụ việc nuôi trồng nhân giống là không phù hợp.

Thực hiện: Trung tâm Truyên thông tài nguyên và môi trường


Ý kiến bạn đọc