Luật Tài nguyên nước được Quốc hội thông qua, ngày 27 tháng 11 năm 2023, là bước tiến trong phương thức quản trị tài nguyên nước, bảo đảm tài nguyên nước được quản lý như tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Luật gồm 10 Chương và 86 Điều, thể chế hóa 4 nhóm chính sách lớn: Bảo đảm an ninh nguồn nước, Xã hội hóa ngành nước, Kinh tế tài nguyên nước, Bảo vệ tài nguyên nước và phòng chống tác hại do nước gây ra.
Luật Tài nguyên nước trong lĩnh vực thủy lợi
Ảnh minh họa về hồ chứa thủy lợi |
Triển khai Luật Tài nguyên nước trong lĩnh vực Thủy lợi, ngày 15/7, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đã ký ban hành văn bản số 5005/BNN-TL gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai thực hiện các quy định pháp luật về tài nguyên nước liên quan đến lĩnh vực thủy lợi.
Một là, phổ biến Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật liên quan đến lĩnh vực thủy lợi. Hai là, Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì rà soát, tham mưu cho UBND cấp tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện các nội dung liên quan đến pháp luật về tài nguyên nước của lĩnh vực thủy lợi thuộc thẩm quyền của địa phương, đảm bảo phù hợp với các quy định pháp luật khác. Ba là, căn cứ kịch bản nguồn nước và các yêu cầu quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, lập kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước; Chỉ đạo việc điều hòa, phân phối tài nguyên nước khi xảy ra hạn hán, thiếu nước trong hệ thống công trình thủy lợi theo quy định pháp luật về thủy lợi.
Bốn là, Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, đôn đốc các tổ chức khai thác công trình thuỷ lợi thực hiện việc đăng ký hoặc cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước theo quy định của Luật Tài nguyên nước và Nghị định số 54/2024/NĐ-CP. Đối với các công trình thủy lợi đã xây dựng và khai thác trước ngày 01 tháng 01 năm 2013 mà chưa được đăng ký, cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước thì phải hoàn thành thủ tục đăng ký, cấp phép khai thác tài nguyên nước theo quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2023, chậm nhất là ngày 30 tháng 6 năm 2027 (khoản 6 Điều 86 Luật Tài nguyên nước).
Hiện nay, Luật Tài nguyên nước năm 2023 đã bãi bỏ quy định về điều kiện năng lực đối với đơn vị tư vấn lập đề án, báo cáo tài nguyên nước thuộc ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Do đó, tổ chức khai thác công trình thuỷ lợi có thể tự lập đề án khai thác tài nguyên nước theo quy định của Nghị định số 54/2024/NĐ-CP.
Năm là, Sở Nông nghiệp và PTNT, các tổ chức khai thác công trình thủy lợi báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo kế hoạch, đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc, giám sát tài nguyên nước và kết nối, truyền số liệu, thực hiện việc quan trắc tự động, liên tục để giám sát trực tuyến các thông số theo quy định của Nghị định số 53/2024/NĐ-CP. Trong thời gian chưa hoàn thành việc lắp đặt thiết bị, kết nối, truyền số liệu để thực hiện việc giám sát trực tuyến thì đề nghị tổ chức, cá nhân có công trình khai thác tài nguyên nước phải thực hiện việc cập nhật số liệu giám sát định kỳ đối với các thông số, theo quy định tại khoản 1 Điều 90 của Nghị định số 53/2024/NĐ-CP.
Trong quá trình triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị UBND tỉnh phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Thủy lợi) hoặc Bộ Tài nguyên và Môi trường (qua Cục Quản lý tài nguyên nước) để xem xét, hướng dẫn.
Luật Tài nguyên nước trong sản xuất và cung cấp nước sạch
Ảnh minh họa về nhà máy sản xuất nước sạch |
Ngày 29/7/2024, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 4239/BXD-HTKT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện các quy định của Luật Tài nguyên nước liên quan đến lĩnh vực sản xuất, cung cấp nước sạch:
Một là, tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật liên quan đến lĩnh vực sản xuất, cung cấp nước sạch. Hai là, căn cứ kịch bản nguồn nước và các yêu cầu quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước chỉ đạo việc lập kế hoạch khai thác tài nguyên nước cấp cho sinh hoạt phù hợp với kịch bản nguồn nước; chỉ đạo việc điều hòa, phân phối tài nguyên nước khi xảy ra hạn hán, thiếu nước hoặc sự cố ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng và thực hiện các biện pháp khẩn cấp để đảm bảo chất lượng, lưu lượng nước sinh hoạt tối thiểu cung cấp cho người dân và các nhu cầu sử dụng nước thiết yếu khác (quy định tại các Điều 35, 36, 43 Luật Tài nguyên nước 2023).
Ba là, nghiên cứu, đề xuất công trình cấp nước sinh hoạt đặc biệt quan trọng cần phải bảo vệ liên quan đến an toàn, an sinh xã hội, lợi ích cộng đồng và phát triển kinh tế- xã hội của địa phương và gửi về Bộ Xây dựng để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Danh mục công trình cấp nước sinh hoạt đặc biệt quan trọng (quy định tại Điều 26 Luật Tài nguyên nước 2023).
Bốn là, chỉ đạo các sở, ngành liên quan và tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động cấp nước trên địa bàn tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để đảm bảo cấp nước an toàn, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, giảm tỷ lệ thất thoát nước; thực hiện công tác bảo vệ, phòng ngừa các nguy cơ gây ô nhiễm trong vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, xử lý kịp thời các sự cố, vi phạm gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt; lập, thực hiện kế hoạch bảo đảm cấp nước an toàn, quản lý rủi ro, nghiên cứu giải pháp dự phòng nguồn nước, tăng cường kết nối giữa các nhà máy nước, mạng lưới cấp nước và bố trí quỹ đất cho công trình trữ nước trên hệ thống cấp nước tại khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn nhằm đảm bảo nguồn nước cho mục đích sinh hoạt; thực hiện quan trắc, giám sát trực tuyến về chất lượng nguồn nước khai thác, chỉ số cấp nước và chất lượng nước sạch của hệ thống cấp nước (quy định tại Điều 26, 43 Luật Tài nguyên nước 2023).
Năm là, tuyên truyền, hướng dẫn người dân bảo vệ nguồn nước, công trình cấp nước; sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đặc biệt là trong giai đoạn cao điểm mùa khô, hạn hán, xâm nhập mặn. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Xây dựng hoặc Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, hướng dẫn theo quy định của pháp luật.
Thực hiện: Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường
Ý kiến bạn đọc