Lĩnh vực chuyên ngành

Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản

08:38, 23/04/2024

Trong phiên họp lần thứ 32, chiều 22/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản. Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đã cụ thể hoá 5 nhóm chính sách được thông qua; đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 vào 20/5/2024.

 

Sự cần thiết ban hành Luật địa chất và khoáng sản

Luật Khoáng sản năm 2010, với hệ thống văn bản pháp luật về khoáng sản cơ bản đầy đủ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản; đẩy mạnh điều tra địa chất về khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; quản lý khoáng sản ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn nguồn tài nguyên của đất nước.

Tuy vậy, Luật Khoáng sản chưa quy định quản lý nhà nước về địa chất, nhất là quản lý thống nhất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành; đặc biệt chưa thống nhất quản lý thông tin, dữ liệu địa chất như Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị đã nêu. Thủ tục hành chính cấp phép về khoáng sản làm vật liệu san lấp còn phức tạp; chưa phân loại các đối tượng khoáng sản để áp dụng thủ tục hành chính tương ứng, phù hợp. Việc thu tiền cấp quyền khai thác theo trữ lượng khoáng sản còn gặp nhiều bất cập…

Dự thảo Luật địa chất và khoáng sản lần này đảm bảo tính kế thừa của Luật khoáng sản, với bố cục gồm 117 điều, chia thành 12 chương; tăng 1 chương và 31 điều (so với Luật khoáng sản 2010). Các quy định mới được bổ sung gồm: điều tra cơ bản địa chất; phân nhóm khoáng sản; tăng cường phân công, phân cấp cho chính quyền địa phương; bổ sung và làm rõ các hoạt động thu hồi khoáng sản, đăng ký khai thác khoáng sản nhóm IV không phải cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản; bổ sung các trường hợp đặc thù cho phép khai thác khoáng sản không phải có Quy hoạch khoáng sản (khai thác khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ; thu hồi khoáng sản; khai thác tận thu khoáng sản); công nhận kết quả thăm dò khoáng sản thay vì phê duyệt trữ lượng; sử dụng vốn ngân sách từ nguồn sự nghiệp kinh tế để tổ chức thực hiện thăm dò khoáng sản chiến lược, quan trọng;...

Bên cạnh đó, Dự thảo cũng quy đinh về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định trên cơ sở trữ lượng khoáng sản được quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản hoặc khối lượng khoáng sản được phép khai thác, thu hồi; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được thu theo năm và quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế; tăng cường quản lý cát, sỏi lòng sông, lòng hồ, khu vực biển; cho phép tổ chức, cá nhân thế chấp, góp vốn quyền khai thác khoáng sản; ưu tiên tổ chức, cá nhân đang khai thác hợp pháp được thăm dò xuống sâu, mở rộng để đánh giá đầy đủ, khống chế hết thân khoáng sản đối với loại khoáng sản được cấp phép mà không phải đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Những điểm cần làm rõ trong dự thảo

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung thông tin, đánh giá tác động chính sách mới đầy đủ hơn đối với các cơ quan quản lý nhà nước; sử dụng ngân sách nhà nước; mở rộng quyền của tổ chức, cá nhân thăm dò, khai thác khoáng sản; tiếp tục rà soát dự thảo Luật với Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Thuế tài nguyên; rà soát với các dự thảo luật khác đang được trình Quốc hội như dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; rà soát với hiệp định về quản lý biên giới trên đất liền; bổ sung đầy đủ dự thảo văn bản hướng dẫn thực hiện Luật theo quy định.

Ngoài ra, nêu rõ sự phù hợp của dự thảo Luật này với chủ trương của Đảng, tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính tương thích với các cam kết, điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; phạm vi, đối tượng điều chỉnh, các nội dung sửa đổi; sự phù hợp, tương thích của Luật với các luật có liên quan, tính khả thi của các quy định; về hình thức, nội dung văn bản, hồ sơ dự án Luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu làm rõ quy định về chiến lược, quy hoạch địa chất khoáng sản; trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản; Điều tra cơ bản; Khu vực khoáng sản, hoạt động khoáng sản, thu hồi khoáng sản, chế biến khoáng sản; Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản, bảo vệ môi trường; Tài chính về địa chất và khoáng sản; Đấu giá quyền khai thác khoáng sản; Cấp quyền khai thác khoáng sản…

Dự thảo Luật cần thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; Hoàn thiện các quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, thăm dò khai thác khoáng sản làm vật liệu thông thường; Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, chống tiêu cực, tăng cường nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, Dự thảo cần làm rõ quy hoạch khoáng sản, nội dung và trách nhiệm của Nhà nước trong điều tra cơ bản địa chất; Bổ sung tiêu chí điều kiện lựa chọn tư vấn, cơ quan phê duyệt kết quả khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; Về giấy phép thăm dò khoáng sản, nguyên tắc, điều kiện cấp giấy phép; Lưu ý các quy định về bảo vệ môi trường, quản lý cát, sỏi lòng sông, lòng hồ, khu vực biển; Cụ thể các trường hợp không đấu giá quyền khai thác khoáng sản…

Cơ quan chủ trì soạn thảo, cũng cần rà soát các quy định về phân loại khoáng sản; Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy định về bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác; Trách nhiệm của địa phương, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân nơi có tài nguyên địa chất chưa khai thác.

Thực hiện: Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường


Ý kiến bạn đọc