Lĩnh vực chuyên ngành

Quy định về quản lý, thu phí chất thải rắn sinh hoạt theo Luật Bảo vệ môi trường

10:13, 05/07/2024

Hiện nay, môi trường nước ta đang chịu sức ép lớn từ nguồn chất thải rắn sinh hoạt. Ước tính khoảng trên 60.000 tấn chất thải rắn thải ra mỗi ngày, gây nên tính trạng quá tải về chất thải, tạo ra các điển nóng về môi trường. Đặc biệt ở các khu đô thị lớn với nhiều hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Đô thị hóa cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế và dân số đang khiến lượng chất thải rắn ngày càng gia tăng.

 

Theo ước tính, khối lượng chất thải phát sinh ở Việt Nam tăng gấp đôi trong chưa đầy 15 năm. Theo Ngân hàng Thế giới (2018), tổng lượng chất thải rắn năm 2015 ước tính khoảng hơn 27 triệu tấn. Với tốc độ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt dự báo là 8,4%/năm đối với khu vực đô thị, tổng lượng chất thải được ước tính sẽ tăng lên 54 triệu tấn vào năm 2030.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tính trạng này, trong đó: Công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn chưa áp dụng triệt để nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”; Việc phân loại rác tại nguồn còn gặp nhiều khó khăn; Người dân có thói quen đổ chung tất cả rác thải vào cùng thùng rác; chưa có kinh nghiệm, kỹ năng phân loại rác; Các đơn vị thực hiện công tác thu gom rác chưa có hệ thống xe chuyên dụng riêng cho từng loại rác.

Hiện nay, thu phí rác thải rắn theo khối lượng được nhiều nước tiên tiến trên thế giới thực hiện với mục đích làm giảm lượng rác thải. Để làm được điều này cần phải phân loại rác thải tại nguồn: Loại rác có thể tái sử dụng, rác không sử dụng được chiếm tỉ lệ nhỏ hoàn toàn có khả năng tính khối lượng. Đây chính là căn cứ để tính phí phải đóng cho người xả thải.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định về quản lý, thu phí chất thải rắn sinh hoạt. Cụ thể như sau: Điểm a Khoản 1 Điều 72 yêu cầu về quản lý chất thải “Chất thải phải được quản lý trong toàn bộ quá trình phát sinh, giảm thiểu, phân loại, thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý, tiêu hủy. Khoản 7 Điều 79 quy định việc thu phí rác thải sinh hoạt theo khối lượng được thực hiện chậm nhất trước ngày 31/12/2024.

Bên cạnh đó, chính sách này được phản ánh tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Thông tư 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường tại Điều 29 quy định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Để thực hiện tốt việc thu phí chất thải rắn sinh hoạt cần sự chung tay của chính quyền địa phương cấp tỉnh. Cụ thể như sau: Tổ chức quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, phân công, phân cấp trách nhiệm cho các cơ quan chuyên môn và phân cấp quản lý cho Ủy ban nhân dân các cấp về quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; Ban hành các quy định cụ thể về quản lý chất thải rắn sinh hoạt; các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ để khuyến khích việc thu gom, vận chuyển và đầu tư cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; Tổ chức chỉ đạo lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch xử lý chất thải rắn, quy hoạch bảo vệ môi trường theo thẩm quyền; lập kế hoạch hàng năm cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và bố trí kinh phí thực hiện phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương; Xây dựng mức thu phí vệ sinh cho các đối tượng hộ gia đình, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tổ chức, trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định; Định kỳ hàng năm báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng về tình hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn, thời điểm báo cáo trước ngày 31 tháng 3 của năm tiếp theo; Tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt; chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn trên địa bàn.

Ngoài ra, các đơn vị cần đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân hiểu và tuân thủ luật môi trường về việc thu phí chất thải rắn sinh hoạt hướng tới 5 mục tiêu: Thông tin đúng và đầy đủ cho người dân về thực trạng chất thải rắn ở địa phương, từ đó giúp người dân quan tâm đến việc tìm kiếm các giải pháp thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn; Thông qua công tác truyền thông, người dân sẽ phát huy kinh nghiệm, kỹ năng, truyền thống và tập quán tốt, sử dụng tri thức bản địa vào thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn; Truyền thông làm cho người dân biết cách thương lượng, hòa giải các xung đột, khiếu nại, tranh chấp về chất thải rắn; Tạo cơ hội cho mọi thành viên trong cộng đồng tham gia thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn; Xây dựng thái độ, hành vi của quần chúng bỏ rác đúng nơi quy định.

Thu phí rác thải rắn theo khối lượng là việc làm cần thiết để Bảo vệ môi trường. Để thực hiện thành công, hiệu quả thì các cấp, các ngành cần có những biện pháp quyết liệt để huy động mọi nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội, đồng thời, đẩy mạnh việc tuyên truyền để nhà nước và người dân cùng chung tay xâu dựng một môi trường sống Xanh sạch đẹp.

Thực hiện: Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường


Ý kiến bạn đọc