Lĩnh vực chuyên ngành

Con đường của chất thải rắn trong nền kinh tế tuần hoàn Việt Nam

16:53, 12/07/2024

Ngày 12 tháng 7 năm 2024, tại Quảng Ninh, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Quỹ Hanns Seidel Foundation tổ chức Hội thảo “Quản lý chất thải rắn hướng tới nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam: Chính sách và thực thi”.

 

“Quản lý chất thải rắn hiệu quả là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững. Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2030, nâng tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt lên 95% ở khu vực thành thị, 90% ở khu vực nông thôn và 98% đối với chất thải nguy hại”. Đây là lời phát biểu của ông Mai Thanh Dung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, tại hội thảo “Quản lý chất thải rắn hướng tới nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam: Chính sách và thực thi”, tại Quảng Ninh sáng nay.

Theo thống kê, giai đoạn 2016-2021, ước tính lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ở các đô thị trên toàn quốc tăng trung bình 10-16% mỗi năm. Năm 2022, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị khoảng 26.100 tấn/ngày, tại khu vực nông thôn khoảng 22.400 tấn/ngày. Trong khi đó, ở khu vực thành thị, vẫn còn khoảng 5-10% chất thải rắn sinh hoạt không được thu gom, và ở các vùng nông thôn, tỷ lệ này khoảng 30-45%. Bên cạnh đó, vẫn còn khoảng 10% lượng chất thải nguy hại hiện vẫn chưa được thu gom, xử lý. Đây là bức tranh tổng thể của chất thải rắn tại Việt Nam.

Ông Lê Anh Vũ, đại diện Hanns Seidel Foundation Việt Nam, nêu quan điểm: Để quản lý và xử lý đưa chất thải rắn sinh hoạt, quay trở lại phụ vụ cuộc sống, theo hướng tuần hoàn:

Thứ nhất, thay vì tiêu hủy, xử lý chất thải ta cần áp dụng các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải. Như vậy, khối lượng rác thải chôn lấp sẽ giảm dần, giúp tiết kiệm các nguồn tài nguyên quý giá, giảm các nguy cơ về môi trường.

Thứ hai, việc sử dụng tuần hoàn chất thải rắn cũng là động lực để thúc đẩy sự đổi mới trong công nghệ quản lý chất thải rắn. Chính phủ nên có chính sách khuyến khích, đầu tư đầu tư mạnh mẽ cho các nhà khoa học, giúp đưa ra giải pháp xử lý rác thải bền vững, ứng dụng công nghệ số. Bên cạnh sự khuyến khích cũng cần yêu cầu, kêu gọi trách nhiệm xử lý và sử dụng tuần hoàn chất thải rắn trong khu vực tư nhân cũng như các cấp địa phương.

Thực hiện: Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường


Ý kiến bạn đọc