Kế hoạch yêu cầu việc tổng kết phải được thực hiện nghiêm túc, khách quan và toàn diện trên phạm vi toàn quốc, triển khai đến từng Bộ, ngành và các địa phương; bảo đảm tiến độ, hiệu quả, tiết kiệm. Nội dung tổng kết phải thiết thực, phản ánh đúng thực tế; dựa trên kết quả đánh giá, tổng kết của Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan, đồng thời, tham khảo ý kiến đánh giá của công dân, tổ chức, nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp.
Việc xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) phải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo đảm sử dụng đất đai hiệu quả, tiết kiệm và bền vững; tăng nguồn thu từ đất đai phục vụ cho đầu tư phát triển; giảm khiếu nại, khiếu kiện về đất đai. Xác định đầy đủ các nội dung công việc, tiến độ và trách nhiệm chủ trì, phối hợp tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo chất lượng và tiến độ.
Kế hoạch giao Tổng cục Quản lý đất đai chủ trì xây dựng đề cương hướng dẫn báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai và gửi các Bộ, ngành, địa phương; tổ chức các Đoàn công tác đi làm việc trực tiếp với các tỉnh thuộc 6 vùng trên cả nước; tổ chức tổng kết việc thực hiện Luật Đất đai tại các Bộ, ngành cơ quan Trung ương; tổng hợp báo cáo tổng kết, đánh giá của các Bộ, ngành, địa phương; báo cáo của các đoàn công tác; báo cáo chuyên đề của các nhóm chuyên môn; xây dựng Báo cáo tổng kết đánh giá việc thực hiện Luật Đất đai.
Vụ Pháp chế Bộ chủ trì tổng hợp, đánh giá chồng chéo, mâu thuẫn và sự không đồng bộ, thống nhất giữa Luật Đất đai với các Luật khác có liên quan.
Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường, tổng hợp kinh nghiệm quốc tế và kết quả nghiên cứu khoa học - công nghệ để phục vụ cho việc sửa đổi Luật Đất đai; tổ chức hội thảo với các cơ quan nghiên cứu, các chuyên gia, các nhà quản lý, các nhà khoa học theo từng nhóm chủ đề như: quyền của nhà nước đại diện chủ sở hữu; thu hồi đất; định giá đất, kinh tế tài chính đất đai; giải quyết khiếu kiện trọng lĩnh vực đất đai;… và các vấn đề lý luận, thực tiễn khác theo đặt ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật.
|
Ảnh minh họa |
Việc tổng hợp, đánh giá và xây dựng các báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai theo 8 chuyên đề gồm: thứ nhất, tình hình ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai ở Trung ương và địa phương.
Thứ hai, công tác chỉ đạo, lãnh đạo triển khai thi hành Luật Đất đai; công tác phổ biến, giáo dục Luật Đất đai và các văn bản quy định chi tiết thi hành.
Thứ ba, quyền, trách nhiệm của Nhà nước; cơ cấu tổ chức, bộ máy làm công tác quản lý nhà nước về đất đai; dịch vụ công trong lĩnh vực đất đai; phân cấp quản lý Nhà nước về đất đai.
Thứ tư, điều tra cơ bản đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Thứ năm, kinh tế đất đai, giá đất; thu hồi đất; bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; phân loại đất; thống kê, kiểm kê đất đai; quản lý, sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.
Thứ sáu, đo đạc, lập hồ sơ địa chính; đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai.
Thứ bảy, chế độ sử dụng các loại đất; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; thủ tục hành chính về đất đai.
Thứ tám, công tác theo dõi, đánh giá, giám sát việc quản lý và sử dụng đất; thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai; xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng đất.
Về xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi): Tổng cục Quản lý đất đai Lập hồ sơ lập đề nghị xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) để trình Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền; xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) để trình Quốc hội.
Kế hoạch đặt ra lộ trình: Hoàn thiện Báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai và trình Thủ tướng Chính phủ tháng 12/2021; xây dựng hồ sơ Dự án Luật và trình Chính phủ Quý IV/2021 - Quý I/2022; Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến Quý IV/2022, Quý II/2023.
Nguồn Báo TN&MT