Lĩnh vực chuyên ngành

Lễ khởi động Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa (NPAP) và Dự án giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam

08:32, 24/12/2020
Ngày 23 tháng 12, Tại Hội trường Grand BallRoom 2, Khách sạn JW Marriott Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam đã cùng phối hợp tổ chức Lễ khởi động Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa (NPAP) và Dự án giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam.
Tham dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà, Ông Borge Brende - Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới, WWF Việt Nam và lãnh đạo các bộ, ban, ngành, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học, nghiên cứu, thành viên hiệp hội, Liên minh giảm thiểu nhựa...
q
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu khai mạc Chương trình
1
Các đại biểu tham gia Lễ khởi động Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa (NPAP) và Dự án giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam chụp ảnh lưu niệm.
Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về Nhựa tại Việt Nam (NPAP) là sự hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam mà đại diện là Bộ Tài nguyên và Môi trường với Chương trình Đối tác Hành động Toàn cầu về Nhựa, một nền tảng cho nhiều chủ thể của Diễn đàn Kinh tế Thế giới nhằm thực hiện các cam kết giảm thiểu ô nhiễm nhựa và xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.

Ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết: “Chúng tôi rất mong đợi sự đóng góp từ NPAP để hỗ hợ các chiến lược, kế hoạch và cơ chế quản lý chất thải nhựa tại Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho những sáng kiến có ý nghĩa trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam và trong ASEAN. Tôi hy vọng rằng Chương trình được chúng ta khởi động hôm nay sẽ tạo nền tảng cho quan hệ hợp tác, đối tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác quốc tế song phương và đa phương nhằm giải quyết hiệu quả vấn đề ô nhiễm nhựa, đồng thời thúc đẩy mô hình sản xuất, tiêu dùng nhựa bền vững thông qua phát triển kinh tế tuần hoàn về nhựa. Qua đó, Việt Nam sẽ góp phần vào nỗ lực chung của toàn cầu nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa".
1
Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà phát biểu tại Lễ khởi động Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa (NPAP) và Dự án giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam

Hiện nay, mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 22 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó khoảng 10% là chất thải nhựa và số lượng này ngày càng gia tăng. Theo dự báo của các chuyên gia quốc tế, thất thoát rác thải nhựa không chủ đích vào môi trường nước của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 106% từ năm 2021 đến năm 2030 – trừ khi có những hành động mang tính hệ thống và đột phá được thực hiện nhằm giải quyết triệt để vấn đề nhựa và chất thải nhựa, từ tái thiết kế vật liệu, sản xuất và tiêu thụ bền vững cho đến tăng cường năng lực quản lý chất thải.

Theo Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 04 tháng 12 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ Việt Nam đã đặt ra một loạt các mục tiêu với thời hạn cụ thể để giải quyết cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa, bao gồm: cắt giảm một nửa lượng chất thải nhựa trong môi trường biển vào năm 2025; giảm thiểu 75% lượng chất thải nhựa trên biển vào năm 2030; và loại bỏ hoàn toàn đồ nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân huỷ tại các điểm du lịch ven biển và các khu bảo tồn biển vào năm 2030.

Đặc biệt, ngày 17 tháng 11 vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020 với nhiều nội dung đột phá về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; phòng, chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, trong đó quy định trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân trong việc hạn chế sử dụng, giảm thiểu, phân loại, thải bỏ chất thải là sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học.
Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về Nhựa tại Việt Nam sẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thúc đẩy cộng đồng năng động hiện hữu về các sáng kiến hành động về nhựa tại Việt Nam, thúc đẩy nhanh tiến độ nhằm đạt được các mục tiêu nêu trên. NPAP sẽ đóng vai trò tập hợp và kết nối để quy tụ các chủ thể thuộc nhà nước, tư nhân và xã hội cùng gắn kết theo một cách tiếp cận chung nhằm giải quyết vấn đề chất thải nhựa và ô nhiễm nhựa, đồng thời chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn bền vững đối với ngành nhựa.

Thực hiện: Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường