ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre): Khung pháp lý quan trọng để gìn giữ môi trường
Nhìn tổng thể, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) từ quan điểm, phương châm đến mục tiêu… đều là những nội dung quan trọng và đã được thể hiện khá tốt. Cử tri và nhân dân đa phần rất đồng tình với việc sửa đổi lần này và quan điểm là ban hành càng nhanh càng tốt. Vì chúng ta đang cần khung pháp lý quan trọng để bảo đảm cho việc giữ gìn, bảo vệ môi trường, không những ở khu vực dân cư mà còn những khu vực sản xuất tập trung và với những dự án, công trình lớn có thể gây ra những hậu quả, nguy cơ lớn và lâu dài về môi trường.
Mặt khác, tình trạng biến đổi khí hậu đang là mối đe dọa rất lớn và thường xuyên, gây tác động và tàn phá môi trường rất lớn, cho nên cần những quy định để có thể hạn chế những tác động này. Bên cạnh đó, hoàn thiện và thông qua dự thảo Luật này cũng là cơ sở để thực hiện tốt hơn việc phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường. Đồng thời, để các bộ, ngành cũng như các địa phương có thể áp dụng xử lý những vấn đề liên quan đến môi trường còn rất “mỏng manh” hiện nay.
Dự thảo Luật lần này cũng đã có nhiều đổi mới khá hợp lý và được nhiều ý kiến đồng tình. Ví dụ việc tích hợp các loại giấy phép. Nếu tích hợp thành một giấy phép thì việc giảm này không phải là số học mà giảm về thủ tục hành chính. Bởi, với mỗi loại giấy phép đi kèm với rất nhiều thủ tục hành chính khác nhau trên, vì vậy, tích hợp như thế có thể giảm được một loạt các thủ tục hành chính, thậm chí giảm được cả những vấn đề liên quan đến nhũng nhiễu, nhiêu khê, níu kéo làm cản trở quá trình phát triển…
Để bảo đảm tính khả thi cao và dễ áp dụng trong thực tế, Ban soạn thảo cần tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội, vì đây đều là những ý kiến được chắt lọc từ những mong muốn, tâm huyết của cử tri và nhân dân.
ĐBQH Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên Huế): Môi trường phải là ưu tiên số một!
Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) nhận được sự quan tâm lớn của cử tri, nhân dân và các đại biểu Quốc hội. Môi trường đang là vấn đề được ưu tiên hàng đầu, không chỉ ở nước ta mà còn trên thế giới. Chúng ta phải đối mặt với hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lụt, vấn đề xử lý, thu gom rác thải sinh hoạt… càng cho thấy môi trường tác động đến cuộc sống chúng ta hàng ngày, hàng giờ. Đa số đại biểu Quốc hội đều hy vọng dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) sẽ được thông qua ngay tại Kỳ họp thứ Mười này, nhằm thay đổi tư duy, hành động theo hướng vì môi trường, bảo vệ môi trường.
Dự thảo Luật cũng có nhiều quy định mới, như phân quyền quản lý môi trường nhiều hơn cho cấp tỉnh trong đánh giá tác động môi trường, cấp phép… Cá nhân tôi kỳ vọng, việc Quốc hội thông qua dự thảo Luật sẽ góp phần hạn chế thấp nhất tác động của môi trường đối với người dân. Chúng ta không đánh đổi môi trường lấy kinh tế; và phải giữ môi trường sống trong sạch nhằm bảo đảm sức khỏe cho nhân dân. Quan điểm phát triển bền vững phải xuyên suốt trong đạo luật này, "nhà nhà, người người", nhất là các trưởng ngành phải tự giác gìn giữ và bảo vệ môi trường.
Mấy ngày qua, nhiều đại biểu Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra thực tế chúng ta bảo vệ, phát triển rừng chưa tốt. Chúng ta có bộ máy hoàn chỉnh từ trung ương đến địa phương để chăm lo cho công tác này, nhưng diện tích rừng tự nhiên vẫn rất thấp. Trong khi, rừng như "đê chắn sóng", giúp điều hòa không khí trong lành, khắc phục xói mòn, làm tăng độ phì nhiêu của đất…
Khi phát triển kinh tế, phải luôn tâm niệm, môi trường là số một. Đơn cử, các nhà máy gang thép, dệt may, nhiệt điện, thủy điện cũng phải đáp ứng yêu cầu về môi trường. Cơ quan quản lý về môi trường phải chịu trách nhiệm chính đối với các dự án mà doanh nghiệp, khu công nghiệp gây tác động xấu, tiêu cực đến môi trường. Chúng ta phải chú trọng đánh giá tác động môi trường, nhất là công trình thủy điện. Một số nhà đầu tư còn lơ là câu chuyện này. Sự cố đáng tiếc ở thủy điện Rào Trăng 3 vừa qua cho thấy bài học nhãn tiền, khi môi trường bị tác động, dẫn đến lũ quét, sạt lở thì nhà đầu tư cũng mất hết, đâu còn gì.
Bảo vệ môi trường là vì sức khỏe người dân. Sức khỏe là vàng, có sức khỏe thì mới cống hiến, làm việc và phát triển kinh tế được.
ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội): Trợ lực thúc đẩy kinh tế xanh, tiêu dùng xanh
Hiện nay, nhiều nơi phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường, cũng như khó khăn trong công tác quản lý nhà nước, lúng túng trong triển khai dịch vụ công ở lĩnh vực này. Do vậy, tôi ủng hộ việc xem xét thông qua dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), trên cơ sở đáp ứng nguyện vọng chung của nhân dân, đặc biệt là hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, hội nhập quốc tế về bảo vệ môi trường, qua đó giúp người dân được hưởng môi trường sống trong lành hơn.
Qua rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật, tôi nhận thấy, các quy định của dự thảo trình Quốc hội lần này, nếu được thông qua, sẽ giúp hình thành lối sống mới, thúc đẩy mỗi người dân thay đổi suy nghĩ, cách ứng xử hàng ngày. Thay vì mua sắm, sử dụng sản phẩm, hàng hóa với tâm lý xả thải thoải mái ra môi trường như trước đây, tới đây, khi mua một sản phẩm, người dân đều nên cân nhắc nhiều hơn về tính thiết thực và sự thân thiện với môi trường. Những chuyển biến này có thể được dần được hình thành vì trong dự thảo Luật đã làm rõ hơn các chính sách của Nhà nước, trong đó nhấn mạnh đến việc khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; đẩy mạnh tái sử dụng, tái chế và giảm thiểu chất thải… Sau khi dự thảo Luật được xem xét thông qua, tôi tin rằng, nếu thực hiện tốt các quy định chắc chắn sẽ tạo cuộc cách mạng trong tiêu thụ sản phẩm “xanh”, thân thiện với môi trường.
Đặc biệt, để chủ động kiểm soát và giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ các dự án đầu tư đáp ứng yêu cầu phát triển KT- XH bền vững, dự thảo Luật đã bổ sung hai chính sách về sàng lọc dự án đầu tư dựa trên các tiêu chí về môi trường; lồng ghép và thúc đẩy các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp trong xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về phát triển KT - XH. Với quy định buộc phải lồng ghép và thúc đẩy những mô hình phát triển này trong dự thảo Luật, khi được thông qua, sẽ mở ra cơ hội để tài nguyên như đất, nước, rừng không bị hủy hoại, sử dụng lãng phí. Mặt khác, việc khẳng định đi theo mô hình kinh tế tuần hoàn như vậy cũng khuyến khích phát triển công nghiệp xử lý môi trường, tăng cường phát minh và ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường.
Tôi đánh giá cao sự tiếp thu của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quá trình soạn thảo, hoàn thiện dự án Luật. Khi trao đổi với các nhà khoa học, chuyên gia, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhất trí bổ sung quy định về việc các cơ quan quản lý nhà nước phải công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường đã phê duyệt; bỏ thủ tục cấp phép khi công bố thông tin về môi trường… Theo dự thảo Luật mới nhất, các thông tin về Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng sẽ được công khai. Những thông tin này được công khai sẽ tạo điều kiện để Nhân dân giám sát, qua đó biết được chuyên gia tham gia Hội đồng này có thực sự là chuyên gia không, hay “tù mù”. Tất nhiên, việc công khai các thông tin chi tiết của Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường sẽ được giao Chính phủ ban hành hướng dẫn, vì công việc này rất chi tiết, dễ có thay đổi nhất định tùy theo mỗi giai đoạn.