Năm 2019 Việt Nam là một trong số quốc gia hưởng ứng mạnh mẽ hoạt động bảo vệ môi trường. Đặc biệt trong số đó là kêu gọi người dân giảm thiểu rác thải nhựa.
Việt Nam nỗ lực bảo vệ môi trường (ITN)
Giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa
Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, kể từ thập niên 50 của thế kỷ trước, hơn 8,3 tỷ tấn sản phẩm nhựa đã được sản xuất, sử dụng, khoảng 60% được chôn lấp hoặc thải thẳng ra môi trường.
Còn theo Ngân hàng Thế giới, bình quân mỗi hộ gia đình Việt Nam sử dụng 35 túi nilon/1 tuần thì với khoảng 26,8 triệu hộ gia đình, mỗi tuần cả nước tiêu thụ khoảng 938.000.000 túi nilon, nặng khoảng 46.900.000 kg.
Trước thực trạng này, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực thực hiện cam kết giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa. Hàng loạt hoạt động trong nước và quốc tế được thực hiện như ký kết Ý định thư giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Diễn đàn Kinh tế thế giới về hợp tác xử lý rác thải nhựa. Thành lập Liên minh chống rác thải nhựa...vv.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ tham dự, chỉ đạo Lễ ra quân chống rác thải nhựa tại Thủ đô Hà Nội tháng 6 và tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường. Coi môi trường là 3 trụ cột phát triển bền vững.
Đồng thời, kêu gọi toàn thể cộng đồng nâng cao trách nhiệm xã hội, chung tay chống rác thải nhựa, tích cực tham gia phân loại, thu hồi, tái chế, tái sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Quyết tâm phấn đấu đến năm 2025m cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.
Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 tại Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 4/12/2019 gồm 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm thống nhất thực hiện các biện pháp giảm rác thải nhựa đại dương từ đất liền ra biển.
Hiện các Bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp đang tích cực xây dựng kế hoạch thực hiện các hoạt động phòng chống rác thải nhựa. Mục đích từng bước thay đổi nhận thức, hành vi ứng xử với các sản phẩm nhựa tại Việt Nam trong xu thế phát triển chung toàn cầu.
Nhân rộng điển hình
Hoạt động bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển bền vững được các địa phương tích cực thực hiện. Điển hình thành phố Đà Nẵng tổng kết 10 năm thực hiện Đề án thành phố môi trường.
|
Giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa (ITN) |
10 năm qua, nhân dân thành phố Đà Nẵng quyết tâm, đồng thuận, chung sức thực hiện nhiều nhiệm vụ, chương trình hành động nhằm nâng cao chất lượng bảo vệ môi trường dựa trên xu thế phát triển đô thị trong bối cảnh hội nhập, phát triển toàn cầu và tác động của biến đổi khí hậu; bảo tồn gắn với quản lý, khai thác các giá trị tài nguyên thiên nhiên để trở thành tiêu điểm và hấp dẫn toàn cầu về điểm đến du lịch sinh thái, thân thiện môi trường.
Đà Nẵng đang tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phong trào bảo vệ môi trường xây dựng nông thôn mới được các địa phương cả nước hưởng ứng sâu rộng, trong đó tỉnh Nam Định được Thủ tướng Chính phủ công nhận về đích sớm hơn một năm xây dựng nông thôn mới, hoàn thành các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới tại Quyết định số 1422/QĐ-TTg. Nhiều công trình bảo vệ môi trường nông thôn được tập trung đầu tư, chất lượng môi trường được nâng cao.
Hiện tỉnh Nam Định tập trung nguồn lực thực hiện xây dựng mô hình huyện nông thôn mới kiểu mẫu với các tiêu chí về môi trường như Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp để phát triển bền vững giai đoạn 2020 - 2025.
- Mỗi năm lượng chất thải nhựa do con người thải ra đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt trái đất, trong đó 13 triệu tấn chất thải nhựa được đổ ra đại dương.
- Việt Nam hiện đang đứng thứ 17/109 quốc gia về lượng phát thải nhựa phát sinh hằng năm.
Với mỗi túi nilon hoặc mảnh nhựa, cần khoảng thời gian trung bình từ 200 năm đến 300 năm để phân hủy.