Quy hoạch lưu vực sông nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước, tích trữ, điều hòa, phân phối một cách công bằng, hợp lý; khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước gắn với bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước; đáp ứng nhu cầu nước cho dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái. Quy hoạch lưu vực sông giúp bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu và từng bước xây dựng, dữ liệu tài nguyên nước trên nền tảng số quốc gia. Vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định quy hoạch tổng thể lưu vực 3 con sông lớn thuộc Bắc, Trung và Nam.
Hình ảnh sông Mã |
Sông Mã
Phạm vi của quy hoạch lưu vực sông Mã, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 bao gồm, toàn bộ diện tích lưu vực sông Mã nằm trong lãnh thổ Việt Nam thuộc địa giới hành chính các tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Hoà Bình, Thanh Hóa và Nghệ An với tổng diện tích 17.653 km2 và được phân chia thành 08 tiểu vùng. Cụ thể, thượng sông Mã; trung sông Mã; Nam sông Mã - Bắc sông Chu; Bắc sông Mã; lưu vực sông Bưởi; lưu vực sông Âm; thượng sông Chu; Nam sông Chu.
Nội dung quy hoạch nêu rõ chức năng lưu vực sông Mã: quản lý, điều hòa, phân phối nguồn nước góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước cho các mục đích khai thác, sử dụng và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong vùng quy hoạch; quản lý khai thác, sử dụng nước mặt bảo đảm dòng chảy tối thiểu trên sông; nguồn nước dự phòng cấp cho sinh hoạt tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm nguồn nước; công trình đập, hồ chứa, công trình điều tiết, tích trữ nước, phát triển nguồn nước; phòng, chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, hồ...
Mục tiêu trước mắt, 100% khu công nghiệp, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung; phấn đấu đến năm 2030, 60% các vị trí duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông được giám sát, có lộ trình giám sát tự động, trực tuyến phù hợp. 80% công trình khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước được giám sát vận hành và kết nối hệ thống theo quy định. 100% hồ, ao có chức năng điều hòa, có giá trị cao về đa dạng sinh học, lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng được công bố và quản lý chặt chẽ. 100% khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung... bảo đảm số lượng, chất lượng nước đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Quy hoạch Sông Mã tầm nhìn đến năm 2050, duy trì, phát triển tài nguyên nước, điều hòa, phân phối nguồn nước bảo đảm an ninh nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ di sản, di tích lịch sử văn hóa và phù hợp với các điều ước quốc tế, hợp tác song phương liên quan đến tài nguyên nước mà Việt Nam đã tham gia. Quy hoạch cũng nhấn mạnh vào việc tăng cường bảo vệ tài nguyên nước, bảo đảm số lượng, chất lượng nước đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và giảm thiểu tối đa tác hại do nước gây ra.
Hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước sông Mã được thực hiện theo phương thức trực tuyến, trên cơ sở quản trị thông minh; phòng, chống sạt lở bờ sông, suối có hiệu quả, kiểm soát được cao độ đáy sông, hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông; bố trí lại dân cư ven sông và các biện pháp khác để từng bước nâng cao giá trị cảnh quan ven sông; kiểm soát được ngập úng do mưa, lũ thông qua các biện pháp phi công trình và công trình trữ nước tại vùng ngập, vùng trũng...
Sông Hương
Hình ảnh sông Hương |
Đối với quy hoạch lưu vực sông Hương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, bao gồm toàn bộ diện tích lưu vực sông Hương và vùng phụ cận thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng với tổng diện tích 4.648 km2, chia thành 10 (mười) tiểu vùng. Cụ thể, đồng bằng Bắc sông Bồ; đồng bằng Nam sông Bồ và Bắc sông Hương; thượng sông Bồ; đồng bằng Nam sông Hương và phụ cận; lưu vực sông Hữu Trạch; lưu vực sông Tả Trạch; Ô Lâu và phụ cận thuộc Thừa Thiên Huế; lưu vực sông Truồi; lưu vực sông Bù Lu; lưu vực sông A Sáp.
Về nội dung Quy hoạch lưu vực sông Hương, chú trọng phòng chống sạt lở lòng, bờ, bãi sông. Quy hoạch nêu rõ, thực hiện điều tra, đánh giá, giám sát diễn biến dòng chảy, các biện pháp bảo vệ, phòng, chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông; đo đạc, cập nhật mặt cắt ngang, dọc sông cần giám sát; nghiên cứu sự biến đổi dòng chảy, lòng dẫn và các tác động đến sự ổn định của lòng, bờ, bãi sông.
Quản lý các hoạt động cải tạo lòng, bờ, bãi sông, xây dựng công trình thủy, khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông, hồ, hành lang bảo vệ nguồn nước.
Quy hoạch đặt ra yêu cầu, không được gây sạt lở, làm ảnh hưởng xấu đến sự ổn định lòng, bờ, bãi sông; chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước và giảm thiểu tình trạng hạ thấp mực nước trên các sông, hồ, bảo đảm hoạt động giao thông thủy trên các tuyến đường thủy nội địa phù hợp với điều kiện nguồn nước. Các khu vực khai thác cát, sỏi lòng sông ở các đoạn sông có điều kiện địa hình, địa chất kém ổn định phải cách mép bờ khoảng cách an toàn tối thiểu phù hợp với chiều rộng tự nhiên của lòng sông theo quy định…
Quản lý chặt chẽ các hoạt động khoan giếng, khoan thăm dò địa chất, bảo đảm không vượt quá ngưỡng khai thác; khai thác nước lợ, nước mặn để sử dụng cho sản xuất, nuôi trồng thuỷ sản không được gây nhiễm mặn các nguồn nước và làm ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp. Việc xây dựng các công trình khai thác nước dưới đất bảo đảm không phát sinh công trình mới trong phạm vi 01 km kể từ biên mặn tại các khu vực giáp ranh với ranh giới mặn tầng chứa nước. Đối với các công trình hiện có nằm trong khu vực giáp ranh này phải có lộ trình giảm lưu lượng khai thác. Việc khai thác nước dưới đất tại các cồn cát, các vùng cát ven biển phải được giám sát chặt chẽ;
Đối với khoan thăm dò địa chất, thăm dò khai thác khoáng sản, xây dựng công trình ngầm, các hoạt động khoan, đào khác theo quy định về bảo vệ tài nguyên nước. Việc quản lý, vận hành các cống ngăn mặn, giữ ngọt và các hồ chứa nước, công trình điều tiết dòng chảy phải tuân theo quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để phòng, chống xâm nhập mặn.
Sông Đồng Nai
Hình ảnh sông Đồng Nai |
Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phạm vi lập quy hoạch gồm: lưu vực sông Đồng Nai thuộc địa giới TP HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đắc Nông, Lâm Đồng. Trong đó, phân chia thành 6 tiểu vùng quy hoạch gồm: thượng lưu sông Đồng Nai, sông Sài Gòn - Thượng Vàm Cỏ, sông Bé, sông La Ngà và các vùng phụ cận ven biển.
Quan điểm của quy hoạch sông Đồng Nai lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, biến đổi khí hậu và nước biển dâng là xu thế tất yếu phải sống chung và chủ động thích ứng. Trên cơ sở đó, mục tiêu của quy hoạch đến năm 2030 phân phối hợp lý nguồn nước, nhất là các tiểu vùng hạ lưu sông Đồng Nai và các đối tượng khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, bảo vệ nguồn nước mặt dưới đất, kiểm soát được hoạt động xả thải. Ngoài ra, các đơn vị, địa phương liên quan phải phục hồi nguồn nước mặt bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nghiêm trọng, phục hồi mực nước dưới đất bị suy giảm quá mức.
Các chỉ tiêu của quy hoạch sông Đồng Nai hướng tới, 100% các nguồn nước liên tỉnh được công bố khả năng tiếp nhận nước, sức chịu tải; 80% công trình khai thác, sử dụng nước được giám sát vận hành và kết nối hệ thống; 70% ao hồ kênh rạch có chức năng điều hoà, có đa dạng sinh học, lịch sử, văn hoá, tín ngưỡng không được san lấp, được công bố và bảo vệ; 100% khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung, 40%- 45% lượng nước thải tại các đô thị từ loại 2 trở lên và 25% - 30% lượng nước thải tại các đô thị từ loại 5 trở lên được thu gom và xử lý đạt.
Tầm nhìn đến 2050, quy hoạch lưu vực sông Đồng Nai phải đảm bảo điều hoà, phân phối nguồn nước, đảm bảo an ninh nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với các điều ước quốc tế, hợp tác song phương, đa phương liên quan đến tài nguyên nước mà Việt Nam đã tham gia; giảm thiểu tác hại do nước gây ra; khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo phương thức trực tuyến trên cơ sở quản trị thông minh. Quy hoạch đẩy nhanh việc phục hồi các khu vực bị suy giảm mực nước dưới đất quá mức, các dòng sông, kênh, rạch bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nghiêm trọng; …
Nội dung quy hoạch bao gồm, quản lý, điều hòa, phân phối nguồn nước góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước cho các mục đích khai thác, sử dụng và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong vùng quy hoạch. Quy hoạch để đảm bảo quản lý, khai thác, sử dụng nguồn nước mặt, bảo đảm dòng chảy tối thiểu trên sông. Các công trình khai thác, sử dụng nước trên sông, đoạn sông, kênh, rạch (trừ hồ chứa, đập dâng) và tầng chứa nước bảo đảm không vượt quá lượng nước có thể khai thác và ngưỡng giới hạn khai thác quy định.
Kiểm soát, nâng cao hiệu quả các công trình về nước, chuyển nước từ lưu vực sông hiện có trong vùng quy hoạch (từ hồ Đơn Dương sang tỉnh Ninh Thuận; từ hồ Đại Ninh sang tỉnh Bình Thuận; từ hồ Phước Hòa sang hồ Dầu Tiếng; từ hồ Dầu Tiếng sang tỉnh Long An), nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến hạ du lưu vực sông Đồng Nai.
Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường
Ý kiến bạn đọc