global banners

Phóng sự tổng kết: Chiến dịch Giờ trái đất 2023 tại Việt Nam

Thứ tư - 05/04/2023 23:20
Bắt nguồn từ một sự kiện tắt đèn mang tính biểu tượng, trở thành sự kiện toàn cầu hàng năm về hành động tích cực vì môi trường. Bắt đầu từ năm 2007, sự kiện đã phát triển thành phong trào quần chúng vì môi trường lớn nhất thế giới, quy tụ các cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp, tổ chức và chính phủ tại 192 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.



Tại nước ta, Chiến dịch “Giờ trái đất” là hoạt động thường niên hàng năm được phát động, tổ chức bởi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF). Sự kiện diễn ra hàng năm vào ngày thứ 7 cuối cùng của tháng 3. Đây là thời điểm để toàn thế giới, xã hội và cộng đồng cùng thảo luận, có những hoạt động lên tiếng về vấn đề bảo vệ thiên nhiên, chống lại cuộc khủng hoảng về khí hậu nhằm hướng tới một thế giới bền vững, tốt đẹp.
Năm 2023 là thời điểm đạt mốc thay đổi nhằm đảm bảo các Mục tiêu toàn cầu về Đa dạng sinh học vào năm 2030. Trong bối cảnh chính trị toàn cầu đang có nhiều biến động, thế giới đang phải chịu nhiều áp lực về kinh tế, năng lượng.

Theo báo cáo của Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC lần thứ 6), rất nhiều quốc gia đã cam kết nỗ lực hướng tới phát thải ròng bằng không, tuy nhiên việc triển khai trung hoà carbon đang tiến triển rất chậm. Hành tinh của chúng ta đã ấm lên 1,1°C so với thời kỳ tiền công nghiệp và có thể tăng lên đến 1,5°C vào năm 2030.

Thỏa thuận Paris về ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu đặt mục tiêu hạn chế tăng nhiệt độ bề mặt trái đất ở mức thấp hơn 2 độ C và cố gắng giữ ở mức thấp hơn 1,5 độ C so với giai đoạn tiền công nghiệp. Để đạt được mục tiêu này, Liên Hợp Quốc đã phát động Chiến dịch toàn cầu Cuộc đua đến Phát thải ròng bằng ‘không’ (Race to Net Zero). Chiến dịch nhằm kêu gọi các bên cùng đẩy mạnh giảm phát thải khí nhà kính thông qua triển khai các giải pháp cân bằng giữa lượng khí nhà kính được tạo ra và lượng Khí nhà kính được loại bỏ, làm sao đạt đến phát thải ròng bằng ‘0’ vào năm 2050.

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, nhu cầu sử dụng năng lượng của Việt Nam đã tăng trưởng rất cao trong thời gian qua, trong đó, nhu cầu về điện tăng 13%/năm giai đoạn 2001- 2010. Giai đoạn 2011- 2015 do tác động của các chính sách về tiết kiệm năng lượng, tốc độ tiêu thụ điện đã giảm xuống còn 10-10,5%. Việc sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm, gắn với bảo tồn tài nguyên năng lượng là yếu tố then chốt trong đảm bản an ninh năng lượng quốc gia, là trụ cột mới của chiến lược phát triển bền vững ngành năng lượng, song song với việc thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo.

Để hiện thực hoá cam kết đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050, vừa qua, tại Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 27 (COP27), Việt Nam đã đề xuất tăng mức giảm phát thải nhà kính trong Đóng góp do Quốc gia tự quyết định bản cập nhật 2022 (NDC 2022) so với NDC 2020, cụ thể là từ 9% lên 15,8% với nguồn lực của quốc gia và tăng từ 27% lên 43,5% vào năm 2030 với hỗ trợ quốc tế. 


Năm 2023,  Chiến dịch “Giờ trái đất” được diễn ra vào ngày 25 tháng 3. Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2023 được Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên WWF phát động với chủ đề The Biggest Hour for Earth“Thời khắc quan trọng cho Trái đất.

Thông điệp nhằm nhấn mạnh đây là thời điểm chúng ta cần thay đổi, thúc đẩy mạnh mẽ hơn để đảm bảo các mục tiêu toàn cầu về Đa dạng sinh học; kêu gọi toàn thể các cơ quan, tổ chức xã hội, cộng đồng cùng nhau hợp tác hành động khẩn cấp để thích nghi và thay đổi tiến trình biến đổi khí hậu, hướng tới phục hồi thiên nhiên và đa dạng sinh học trong thập kỷ này, chống lại tình trạng suy giảm môi trường sống. Đồng thời, đây cũng là thời điểm thực hiện hóa các mục tiêu của Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 27 (COP27), sử dụng năng lượng bền vững và hướng tới tương lai 100% năng lượng tái tạo.
- Để hưởng ứng sự kiện Giờ Trái đất năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức các hoạt động truyền thông hưởng ứng đồng thời kêu gọi các Bộ, ban ngành, đoàn thể Trung ương; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp xây dựng và tổ chức các hoạt động thiết thực, hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tế tại cộng đồng. Chiến dịch đã nhận được sự tham gia hưởng ứng của toàn thể cộng đồng.
- Hàng trăm địa điểm công cộng tại Việt Nam tham gia hưởng ứng tắt đèn trong khoảng thời gian từ 20h30-21h30 ngày 25 tháng 3 năm 2023
- Từ khóa “Giờ trái đất” – “Earth Hour” đạt top tìm kiếm trên các nền tảng tìm kiếm
- Hơn 100 bài báo (gồm điện tử-chính thống) đưa tin bài về Sự kiện
- Talkshow về sự kiện Giờ Trái đất đạt được hơn 5 triệu lượt tiếp cận và hàng triệu lượt xem trên Truyền hình
- Sự kiện có được sự hưởng ứng, tham gia của rất nhiều KOLs đến từ nhiều lĩnh vực và lứa tuổi.

Trung tâm Truyền thông TNMT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây