global banners

Ủy ban sông Mê Công Việt Nam: Nhiều thành tựu quan trọng trong quản lý và bảo vệ tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan của sông Mê Công

Chủ nhật - 10/07/2022 21:57
Ủy ban sông Mê Công Việt Nam (Ủy ban) được thành lập năm 1978 có nhiệm vụ giúp Chính phủ trong điều phối các hoạt động hợp tác Mê Công của Việt Nam. Trong 20 năm qua, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đã phối hợp cùng với các quốc gia thành viên Ủy hội sông Mê Công quốc tế triển khai thực hiện 5 Kế hoạch Chiến lược của Ủy hội và đã đạt được rất nhiều thành tựu quan trọng trong quản lý và bảo vệ tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan của sông Mê Công
adfa
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao lần thứ ba Ủy hội sông Mê công quốc tế
Lịch sử hợp tác và quy hoạch phát triển dòng sông Mê Công bắt đầu từ năm 1957 với sự thành lập Ủy ban Điều phối Khảo sát Hạ Lưu vực sông Mê Công (Ủy ban Mê Công) gồm bốn quốc gia là Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam với mục tiêu nhằm phối hợp nghiên cứu tài nguyên nước Hạ lưu vực sông Mê Công và các hoạt động phát triển trên lưu vực. Đến năm 1995, để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội ngày càng cao của các quốc gia ven sông, Chính phủ bốn quốc gia Hạ lưu vực sông Mê Công đã ký kết Hiệp định Hợp tác Phát triển bền vững Lưu vực Mê Công (Hiệp định Mê Công 1995) và thành lập Ủy hội sông Mê Công quốc tế (Ủy hội).

Sau khi Hiệp định Mê Công 1995 được ký kết, để tăng cường các hoạt động của Ủy ban, Thủ tướng Chính phủ đã ba lần ra quyết định (Quyết định số 860/TTg ngày 30/12/1995, Quyết định số 114/QĐ-TTg ngày 15/01/2010, và Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08/5/2020) nhằm điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ủy ban. Trước đây, chức năng chính của Ủy ban là giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, quản lý hoạt động hợp tác quốc tế trong lưu vực sông Mê Công thì nay Ủy ban còn đảm nhận thêm chức năng của tổ chức lưu vực sông để giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, quản lý các hoạt động liên ngành, liên tỉnh, liên quốc gia nhằm quản lý và sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trên lưu vực sông Mê Công, bao gồm cả các lưu vực sông Cửu Long và sông Sê San - Srêpốk của Việt Nam. Chủ tịch Uỷ ban trước đây là cấp Bộ trưởng thì hiện nay đã nâng lên cấp Phó Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Uỷ ban. Hai mươi năm qua, Uỷ ban sông Mê Công Việt Nam đã nỗ lực không ngừng bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam trong khai thác và sử dụng công bằng và hợp lý tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trên lưu vực sông Mê Công và luôn là thành viên tích cực nhất của Uỷ hội sông Mê Công quốc tế; đóng góp lớn vào việc thúc đẩy các hoạt động chiến lược của Uỷ hội và tăng cường chia sẻ thông tin số liệu, mạng quan trắc giám sát chung trên lưu vực; đồng thời tăng cường hợp tác với các quốc gia thượng lưu Trung Quốc và Mi-an-ma và các đối tác phát triển. Một số thành tựu nổi bật của Uỷ ban trong 20 năm qua:
Các hoạt động hợp tác với Ủy hội sông Mê Công quốc tế:
sdffg
Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Ủy viên Hội đồng Ủy hội sông Mê Công quốc tế của Việt Nam tham dự Phiên họp Hội đồng lần thứ 27 Ủy hội sông Mê Công quốc tế, tổ chức ngày 26 tháng 11 năm 2020 theo hình thức trực tuyến
Trong 20 năm qua, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đã phối hợp cùng với các quốc gia thành viên Ủy hội sông Mê Công quốc tế triển khai thực hiện 5 Kế hoạch Chiến lược của Ủy hội và đã đạt được rất nhiều thành tựu quan trọng trong quản lý và bảo vệ tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan của sông Mê Công.

Xây dựng được một Ủy hội với tầm nhìn là "Một tổ chức lưu vực sông quốc tế có tầm cỡ thế giới, tự chủ về tài chính, nhằm giúp các quốc gia thành viên đạt được tầm nhìn của lưu vực" và nhiệm vụ là "Thúc đẩy và điều phối hoạt động phát triển và quản lý bền vững tài nguyên nước và các tài nguyên có liên quan vì lợi ích chung của các quốc gia thành viên và phúc lợi của người dân”.

 Hoàn thành xây dựng khoảng 90% yêu cầu xây dựng các văn bản pháp lý để thực hiện Hiệp định, đặc biệt là bộ quy chế sử dụng nước, các hướng dẫn và sổ tay kỹ thuật…, để giải thích và thực hiện hiệu quả các điều khoản quy định trong Hiệp định. Các thủ tục sử dụng nước quan trọng được thông qua gồm: Thủ tục Trao đổi Chia sẻ Thông tin Số liệu; Thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Thoả thuận; Thủ tục Giám sát sử dụng nước; Thủ tục Duy trì dòng chảy trên dòng chính; và Thủ tục về Chất lượng nước và các hướng dẫn kỹ thuật thực hiện các Thủ tục đã tạo nên một khung pháp lý nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Hiệp định Mê Công 1995.

Thông qua được Chiến lược phát triển lưu vực và các chiến lược ngành cho hầu hết các lĩnh vực hợp tác của Ủy hội như môi trường, giao thông thủy, biến đổi khí hậu, thủy sản… góp phần khẳng định vai trò quan trọng của Ủy hội trong nỗ lực chung hướng tới phát triển bền vững và giúp các quốc gia thành viên lồng ghép các định hướng chiến lược của lưu vực trong các chiến lược, chương trình hành động quốc gia của mình.

Nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa hệ thống mạng giám sát môi trường của lưu vực sông Mê Công liên quan đến các lĩnh vực khí tượng - thủy văn, phù sa bùn cát, thủy sản, sinh thái và chất lượng nước; số liệu thu thập được từ các mạng quan trắc này đã giúp Ủy hội xây dựng các định hướng chiến lược toàn lưu vực về phát triển bền vững,  đồng thời là nguồn số liệu quý báu giúp các quốc gia ven sông trong công tác dự báo cảnh báo, đánh giá tác động và xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế xã hội thích ứng phù hợp.

Tiến hành nhiều hoạt động chung có tính chiến lược, xây dựng các công cụ hỗ trợ ra quyết định cho Uỷ hội và các quốc gia thành viên như: Nghiên cứu chung về quản lý phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công, bao gồm cả tác động của các dự án thủy điện dòng chính (2017), xây dựng các Báo cáo định kỳ về hiện trạng lưu vực, xây dựng năng lực kỹ thuật cho Ủy hội như bộ mô hình toán toàn lưu vực, bộ cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan cho toàn lưu vực và hệ thống hỗ trợ ra quyết định có thể xem xét đánh giá và lựa chọn các kịch bản phát triển trong lưu vực…

Tiến hành nhiều đợt tham vấn rộng rãi để xem xét các đề xuất xây dựng các công trình thủy điện dòng chính (tới nay là 6 dự án của Lào) trước khi các cấp của Ủy hội có quyết định thích hợp nhằm tăng cường sự tham gia của các quốc gia thành viên, cộng đồng dân cư và các bên liên quan trong quá trình ra quyết định, đảm bảo áp dụng các biện pháp giảm thiểu tác động phù hợp. Đây là một trong những hoạt động được cộng đồng quốc tế, khu vực và tại các quốc gia thành viên đánh giá cao.
Tăng cường tính tự chủ của Ủy hội sông Mê Công quốc tế cả về tài chính và kỹ thuật thông qua chính sách tăng mức đóng góp hằng năm của các quốc gia thành viên, chuyển giao các chức năng chủ chốt về quản lý lưu vực sông cho các quốc gia thực hiện và cán bộ của Ban Thư ký Ủy hội là người của các quốc gia ven sông.

Tăng cường đối thoại giữa các quốc gia thành viên Ủy hội và giữa Ủy hội với các Đối tác Đối thoại (Trung Quốc và Mi-an-ma), Đối tác Phát triển, các cơ chế hợp tác vùng để đảm bảo tăng cường chia sẻ thông tin số liệu và tăng cường các hoạt động hợp tác của các quốc gia thượng lưu và tranh thủ nguồn lực và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với các hoạt động của hợp tác Mê Công.

Các hoạt động hợp tác song phương và đa phương khác:
dgsd
Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Chủ tịch Hội đồng Ủy hội sông Mê Công quốc tế nhiệm kỳ năm 2018, chủ trì Phiên họp Hội đồng lần thứ 25 Ủy hội sông Mê Công quốc tế, tổ chức ngày 28-29 tháng 11 năm 2018 tại Tp. Hạ Long, Quảng Ninh, Việt Nam
Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đã đẩy mạnh các mối quan hệ hợp tác song phương với các quốc gia ven sông. Uỷ ban sông Mê Công Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với Uỷ ban Mê Công của Lào và Campuchia. Thường xuyên tổ chức các hoạt động tăng cường năng lực, trao đổi kinh nghiệm quản lý tài nguyên nước, quản lý lưu vực sông với Lào, Campuchia và Thái Lan. Uỷ ban cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường làm đầu mối hợp tác tài nguyên nước trong các cơ chế hợp tác vùng khác nhưASEAN, Mê Công-Lan Thương, Mê Công-Mỹ, Mê Công-Nhật Bản, Mê Công-Hàn Quốc...; , đã thúc đẩy các cơ chế này tham gia vào giải quyết các vấn đề tài nguyên nước xuyên biên giới trên lưu vực và hợp tác chặt chẽ với Uỷ hội sông Mê Công quốc tế, đồng thời Uỷ ban cũng tăng cường hợp tác với các đối tác chiến lược, các nhà tài trợ và các tổ chức vùng khác trong các vấn đề chiến lược trên lưu vực sông Mê Công.

Các hoạt động trong nước:

Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đã tăng cường điều phối và hợp tác hiệu quả với các bộ, ngành và địa phương thành viên.
Triển khai các hoạt động của Ủy hội và các nghiên cứu chiến lược do Thủ tướng Chính phủ giao, đặc biệt là Nghiên cứu về đánh giá tác động của các công trình thủy điện dòng chính Mê Công đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2013-2015, góp phần tạo căn cứ khoa học trợ giúp việc đàm phán với các quốc gia khác và ra các quyết định quan trọng liên quan đến các hoạt động phát triển lưu vực của các quốc gia ven sông.

Triển khai các hoạt động theo dõi chặt chẽ tình hình khai thác và sử dụng tài nguyên nước trên lưu vực sông Mê Công, bao gồm cả theo dõi vận hành các công trình khai thác sử dụng tài nguyên nước thượng nguồn Mê Công (thuỷ điện Trung Quốc, các dự án chuyển nước, phát triển tưới vùng Đông Bắc Thái Lan, các hoạt động phát triển trên dòng chính và dòng nhánh tại Hạ lưu vực…); tiến hành giám sát và đánh giá tác động thực tế của các công trình thủy điện dòng chính sông Mê Công và dự báo tài nguyên nước đến Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam; triển khai hoạt động tham vấn quốc gia cho các đề xuất dự án thủy điện dòng chính sông Mê Công của Lào. Kết quả của các hoạt động nêu trên là cơ sở để Uỷ ban đưa ra các kiến nghị đối với lãnh đạo Đảng và Chính phủ trong chỉ đạo và quản lý hoạt động hợp tác quốc tế trong lưu vực sông Mê Công cũng như các hoạt động thích ứng tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong thời gian tới, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam sẽ tập trung đẩy mạnh các nhiệm vụ của tổ chức lưu vực sông bao gồm xây dựng cơ sở dữ liệu, công cụ hỗ trợ ra quyết định; kiến nghị về chính sách và thực thi chính sách; đóng góp vào xây dựng và điều phối giám sát thực hiện các chương trình, dự án, đề án, chiến lược, quy hoạch… liên quan đến khai thác, sử dụng nước trên lưu vực sông Cửu Long và sông Sê San – Srepok; hình thành các cơ chế trợ giúp giải quyết các vấn đề tài nguyên nước liên tỉnh, liên ngành, liên vùng, liên quốc gia và tăng cường sự tham gia của các bên liên quan trong quá trình ra quyết định./.
Thực hiện: Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây