global banners

Quản lý hiệu quả tài nguyên đất đai, góp phần phát triển đất nước

Thứ hai - 18/07/2022 02:59
Đất đai là nguồn tài nguyên, tài sản quan trọng của quốc gia. Việc phân bổ, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả đất đai bảo đảm lợi ích trước mắt và lâu dài; bảo vệ môi trường sinh thái, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước luôn là vấn đề xuyên suốt trong chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời là yêu cầu thường trực của công tác quản lý nhà nước về đất đai.
sdasd
Đất đai hằng năm đóng góp hơn 8% thu ngân sách nhà nước và hơn 10% thu ngân sách nội địa
Trong mỗi một giai đoạn lịch sử, chính sách về đất đai của Đảng và Nhà nước luôn được đổi mới, nhằm đưa nguồn tài nguyên đất đai dần trở thành nguồn lực, nguồn vốn cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Công tác quản lý nhà nước về đất đai những năm gần đây có những hiệu quả rõ rệt, từ việc rà soát xử lý tình trạng lãng phí đất; hoàn thành cơ bản công tác đo đạc, cắm mốc ranh giới đất của các công ty, nông lâm nghiệp; hoàn thành cấp giấy chứng nhận trên 97% diện tích đất để đất đai tham gia vào thị trường bất động sản; hoàn thành việc lập quy hoạch sử dụng đất từ cấp quốc gia đến cấp tỉnh.

Đất đai đảm bảo an ninh lương thực, xoá đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân.
Các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đất đai nhất là chính sách mở rộng thời hạn giao đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm, cùng với chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trở thành ngành nông nghiệp hàng hóa. Bảo đảm diện tích đất trồng lúa ổn định an ninh lương thực quốc gia đạt 3,76 triệu ha, trong đó bảo vệ nghiêm ngặt đối với 3,1 triệu ha đất chuyên trồng lúa nước; đồng thời cho phép chuyển đổi linh hoạt khoảng 300 nghìn ha đất trồng lúa nhằm thích ứng với tình hình BĐKH, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho nông dân và nhu cầu của thị trường.

Đất đai đảm bảo nhu cầu sử dụng cho các ngành kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường...
Từ năm 2016 đến nay, chúng ta đã thực hiện giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để giải quyết nhu cầu nhà ở đô thị, nông thôn khoảng trên 19,6 nghìn ha. Phát triển đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp khoảng 15,5 nghìn ha. Xây dựng kết cấu hạ tầng khoảng 25,5 nghìn ha và đưa hơn 500 ha đất chưa sử dụng vào phục vụ các mục đích phát triển kinh tế - xã hội. Các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu du lịch, dịch vụ đồng bộ, có quy mô sử dụng đất lớn đóng góp trực tiếp cho quá trình chuyển dịch kinh tế - xã hội cũng được hình thành. Hiệu quả sử dụng đất sản xuất nông nghiệp, phi nông nghiệp tăng gấp hơn 2 lần so với trước đây.

Cơ quan quản lý đất đai đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu đạt trên 97% tổng diện tích các loại đất.
Cả nước đã đo đạc lập bản đồ địa chính đạt trên77% tổng diện tích đất tự nhiên. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng, ban hành và công bố công khai bảng giá đất theo quy định. Công tác xác định giá đất cụ thể đã được các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện đúng quy định, quy trình, bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người có đất thu hồi. Có những địa phương nguồn thu từ đất chiếm tới trên 30% ngân sách tỉnh.

Thời gian và thủ tục giao dịch về đất đai được cắt giảm xuống từ 1/2 - 1/3 so với trước.
Chỉ số đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản có sự chuyển biến mạnh mẽ đứng thứ 60/190 quốc gia được đánh giá. Tất cả các huyện trên cả nước đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ địa chính, quản lý đất đai ở các mức độ khác nhau. Trong đó có 182/713 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc 46 tỉnh, thành phố đang vận hành, quản lý khai thác, sử dụng đồng bộ cơ sở dữ liệu đất đai để phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn. Bên cạnh đó, thực hiện thí điểm kết nối liên thông điện tử giữa cơ quan thuế và cơ quan đăng ký đất đai, đây là một bước đột phá cải cách thủ tục hành chính rất quan trọng, được người dân ghi nhận, đánh giá cao...

Quản lý đất đai trong thời gian tới sẽ tập trung hoàn thiện về thể chế và cơ chế chính sách.
 Với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước “nắm chắc, quản chặt” quỹ đất đai thể hiện qua Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương và Luật đất đai sửa đổi trong thời gian tới. Làm sao để việc phân bổ tài nguyên đất đai cho các ngành kinh tế, xã hội, đảm bảo mục tiêu của quốc phòng, an ninh; tăng cường chỉ đạo, tổ chức triển khai và kiểm tra việc thi hành pháp luật về đất đai; đánh giá tác động của các chính sách, pháp luật đất đai đối với phát triển kinh tế, xã hội và cộng đồng.

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống dữ liệu đất đai, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về đất đai trên tất cả các lĩnh vực. Xây dựng hệ thống thông tin đất đai thành một bộ phận của hệ thống dữ liệu quốc gia. Chuyển dần các hoạt động đăng ký, giao dịch trong lĩnh vực đất đai sang giao dịch điện tử. Tổ chức việc quảnlý, khai thác, vận hành có hiệu quả hệ thống thông tin đất đai. Cập nhật, chỉnh lý kịp thời các dữ liệu địa chính, điều tra cơ bản về đất đai, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất, thống kê, kiểm kê đất đai và các dữ liệu khác thuộc cơ sở dữ liệu đất đai.

Tập trung điều tra cơ bản, đánh giá tiềm năng và chất lượng tài nguyên đất đai toàn quốc, trong đó chú trọng việc điều tra các vùng đặc thù về thoái hóa, xâm nhập mặn, ngập úng, khô hạn, hoang mạc hóa, xói mòn, rửa trôi, ô nhiễm đất phục vụ quản lý, sử dụng đất bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đổi mới phương pháp thực hiện và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong công tác thống kê, kiểm kê đất đai định kỳ và theo chuyên đề nhằm cung cấp số liệu chính xác phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai và phát triển kinh tế, xã hội.

Hoàn thiện hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tiếp tục nghiên cứu đổi mới nội dung và phương pháp theo công nghệ tiên tiến trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất lồng ghép với các yếu tố môi trường và biến đổi khí hậu. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, triển khai ứng dụng công nghệ hiện đại trong giám sát biến động tài nguyên đất đai và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, ưu tiên giám sát việc quản lý, sử dụng đất chuyên trồng lúa, đất rừng để góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và bảo vệ môi trường sinh thái.

Hoàn thiện hệ thống cơ chế tài chính về đất đai với các yêu cầu cụ thể như hệ thống định giá đất trở thành công cụ tài chính điều tiết các quan hệ đất đai và quản lý thị trường bất động sản. Xây dựng hệ thống phát triển quỹ đất bảo đảm phát triển và quản lý quỹ đất một cách chặt chẽ, hợp lý, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội.

Kiện toàn hệ thống bộ máy tổ chức, nâng cao năng lực quản lý đất đai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, đảm bảo chức năng thống nhất quản lý nhà nước về đất đai trên phạm vi cả nước. Có sự phân công, phân cấp rõ ràng, hoạt động có hiệu quả, đủ năng lực thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước và các dịch vụ công về đất đai. Phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đầu tư trang thiết bị, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ ngang tầm trình độ tiên tiến của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây